Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Khiếu kiện liên quan đến nguyên Tổng Giám đốc Cty Bảo Long: Anh hùnghay tội đồ? Kỳ II: Từ lạm dụng tín nhiệm đến… lừa đảo, chiếm đoạt tàisản

Khiếu kiện liên quan đến nguyên Tổng Giám đốc Cty Bảo Long: Anh hùng hay tội đồ?

Kỳ II: Từ lạm dụng tín nhiệm đến… lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Xem tin gốc:

http://thanhtra.com.vn/tabid/77/newsid/56697/temidclicked/2/seo/Ky-II-Tu-lam-dung-tin-nhiem-den-lua-dao-chiem-doat-tai-san/Default.aspx

Một tòa nhà thuộc Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn vốn là Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Bảo Long được Tập đoàn Bảo Sơn mua lại, nay không được đưa vào hoạt động vì ông Khai cho người ngăn cản




(Thanh tra)- Không chỉ dừng lại ở việc chiếm giữ lại trụ sở đã bán, không trả các khoản nợ như đã cam kết, “người hùng” Nguyễn Hữu Khai còn tiếp tục đưa “người anh kính mến”(nguyên văn câu ông Khai gọi ông Sơn) của mình vào “tròng” bằng thương vụ vay tiền để trả nợ ngân hàng. Khi được vay rồi thì quay ngoắt không trả cả vốn lẫn lãi, thậm chí còn tuyên bố rằng ông anh còn nợ tiền mình!

>>Kỳ I: Tin bạn mất tiền!

Ngoài số tiền vay 10 tỷ đồng mà chúng tôi đã nêu ở bài báo trước, ngày 12/5/2011, ông Khai còn xin vay Tập đoàn Bảo Sơn 80 tỷ đồng tại Hợp đồng vay vốn số 17/HĐVV/BL-BS để trả nợ ngân hàng. Hợp đồng vay vốn số 17 ngày 12/5/2011 giữa Tập đoàn Bảo Sơn với Cty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long và Cty TNHH Dược liệu Sìn Hồ (bên B), người đại diện là ông Nguyễn Hữu Khai, bà Lê Thuý Hằng, Phạm Văn Lực và ông Nguyễn Vĩnh Hảo.

Trong hợp đồng, tài sản thế chấp vay vốn ghi rõ: Bên B tự nguyện đưa toàn bộ tài sản của 6 cá nhân là các ông, bà: Nguyễn Hữu Khai, Lê Thuý Hằng (vợ ông Khai), Nguyễn Văn Ái (em rể ông Khai), Nguyễn Thị Gạt (em ruột ông Khai), Nguyễn Thị Ngoan (con gái ông Khai) và Phạm Văn Lực (con rể ông Khai) giao cho bên A làm tài sản để thế chấp, uỷ quyền định đoạt công chứng tài sản của các cá nhân trên cho Tập đoàn Bảo Sơn. Tổng diện tích đất thế chấp để vay số tiền trên là 10.938,4m2. Số tài sản trên đất và toàn bộ diện tích đất hiện đang được bên B thế chấp tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hoóc Môn, Hồ Chí Minh (cho việc vay tiền này).

Hợp đồng ghi rõ: Trong trường hợp bên B không trả được nợ vay trước ngày 12/5/2012 tiền gốc thì toàn bộ tài sản thế chấp nghiễm nhiên thuộc về bên A và có quyền sở hữu, bán, cho đối tượng thứ ba để thu hồi công nợ. Thực hiện nội dung hợp đồng đó, cả 6 cá nhân trên đã ký hợp đồng uỷ quyền công chứng chuyển giao quyền định đoạt tài sản cho bên A.

Ngoài phần thế chấp số diện tích đất nêu trên (được xác định là 37,3 tỷ đồng), bên B bán cho bên A Trường Trung cấp Y - Dược Bảo Long (pháp nhân được hình thành trong tương lai, cùng toàn bộ tài sản hữu hình, vô hình được hình thành từ vốn vay liên quan đến trường này, xác định có giá 5 tỷ đồng). Bên cạnh đó, bên B cũng dự định bán cho bên A phần tài sản cố định, trang thiết bị (ngoài phần đã bán tại Hợp đồng số 01 như chúng tôi đã nêu ở bài trước) và tài sản đất đai thuộc Cty TNHH Dược liệu Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu). Trong quá trình thực hiện hợp đồng này, các bên chỉ thống nhất được số tiền vay 37,3 tỷ đồng và mua Trường Trung cấp Y - Dược Bảo Long. Phần còn lại không thực hiện được vì phía Tập đoàn Bảo Sơn bắt đầu thấy được nguy cơ của sự gian dối nên không hợp tác tiếp.

Hợp đồng minh bạch, cụ thể, rõ ràng là thế, nhưng đến thời hạn cuối cùng phải trả nợ, ông Nguyễn Hữu Khai đã “quỵt” vì các lý do được nêu trong Công văn số 102-4/2012/CV-BL ký ngày 2/4/2012 gửi Tập đoàn Bảo Sơn: “Quyền sử dụng đất đưa vào làm tài sản bảo đảm tại Hợp đồng 17/HĐVV/BL-BS là quyền sử dụng đất đứng tên các cá nhân. Họ chưa làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho Cty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long. Vì vậy, việc Cty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long dùng quyền sử dụng đất của các cá nhân đó để ký hợp đồng vay vốn là không đúng theo quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Hữu Khai là Chủ tịch Hội đồng thành viên của Cty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long đứng ra ký vay vốn là không đúng thẩm quyền. Hợp đồng số 17/HĐVV/BL-BS có yếu tố thế chấp đất đai phải được công chứng, tuy nhiên hợp đồng này chưa công chứng nên không đúng pháp luật”.

Với các lý do vừa viện dẫn, ông Khai từ chối thanh toán cả gốc và lãi vay, trong đó tiền gốc là 37,3 tỷ đồng, lãi vay 12 tháng là 7,8 tỷ đồng, tổng cộng cả gốc và lãi là 45,1 tỷ đồng (tính đến thời điểm kết thúc hợp đồng).

Không chỉ dừng lại ở việc từ chối trả nợ, ông Nguyễn Hữu Khai cùng vợ và các thành viên trong gia đình được nêu tên ở phần trên thông báo cho Tập đoàn Bảo Sơn đơn phương huỷ hợp đồng uỷ quyền công chứng các tài sản đã cầm cố vay tiền. Bằng hành động này, họ đã “nhổ toẹt” vào những cam kết của chính mình khi xin vay tiền của Tập đoàn Bảo Sơn.

Trao đổi với chúng tôi về cú “lừa” ngoạn mục này, đại diện Tập đoàn Bảo Sơn cho biết, sau khi mua lại Cty Cổ phần Tập đoàn Y - Dược Bảo Long (Cty Bảo Long) và ông Khai được thuê lại làm người điều hành chính Cty này thì xảy ra chuyện ông Khai viết thư cho ông Nguyễn Trường Sơn với nội dung Tập đoàn Bảo Sơn còn nợ ông 125 tỷ đồng. Lạ ở chỗ, lá thư này không được gửi tới ông Sơn mà địa chỉ là các chủ nợ của ông Khai và cán bộ nhân viên dưới quyền ông Khai. Nhưng, thật tình cờ khi bảo vệ của Bảo Sơn tại đây lại nhặt được lá thư này và nó đã được chuyển tới đúng người được nhận như tiêu đề của lá thư.

Nhận lỗi trước ông Sơn, ông Khai thừa nhận tự làm chiêu này để các chủ nợ khỏi “thịt” mình. Không chỉ thế, ông Khai còn tự tay viết lá thư tạ lỗi “anh Nguyễn Trường Sơn kính mến” để được bỏ qua. Đồng thời, cùng với những người thân của mình (là các cổ đông hiện hữu của Cty Bảo Long trước đây), ông Khai đã ký vào Bản cam kết đã chuyển nhượng xong theo các điều khoản của Hợp đồng số 01/CNCP&TS/BL-BS ngày 3/3/2011 (chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm) mà không khiếu kiện, chấm dứt mọi quyền lợi liên quan đến Cty Bảo Long.

Để tiếp tục gỡ rối cho “người em” này, Tập đoàn Bảo Sơn đã đồng ý ký Hợp đồng vay vốn số 17 như trên. Để rồi, khi đã nhận được tiền thì em lại chối phắt, không trả anh tiền và còn cho rằng, việc ký kết này không có giá trị pháp luật; số tài sản đưa ra vay là của các cá nhân nên không thể cầm cố vào việc vay này được.

Đến thời điểm này, tình nghĩa đã cạn, ông Khai công khai việc “đả phá” Tập đoàn Bảo Sơn và các cơ quan chức năng của Nhà nước đến làm việc với mình về những khiếu tố này trên trang điện tử của mình. Không hiểu Tập đoàn Y - Dược Bảo Long (đúng từ nêu trên trang điện tử baolongduong.vn) được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép như thế nào, được phép thông tin những gì, nhưng những gì chúng tôi đọc được trên trang điện tử này thì nó giống như một tờ báo điện tử của cơ quan Nhà nước, mà nội dung chính là đả phá tất cả những ai dám động đến “ông”. Và, cũng đã đến lúc cần xem xét lại, đơn vị này có còn được mệnh danh là “Tập đoàn Y - Dược Bảo Long” khi những người chủ của nó đã bán từ tháng 3/2011.

Chúng tôi xin gửi đến quý bạn đọc nội dung lá thư xin lỗi "người anh kính mến" của ông Nguyễn Hữu Khai:



Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này trong những số báo tiếp theo.

Bắc Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét