Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Viết tiếp bài “Anh hùng hay tội đồ?”: Phải “trị tận gốc bệnh”

 Viết tiếp bài “Anh hùng hay tội đồ?”: Phải “trị tận gốc bệnh”

Xem tin gốc:

http://thanhtra.com.vn/tabid/77/newsid/56838/temidclicked/2/seo/Phai-tri-tan-goc-benh/Default.aspx

(Thanh tra)- Những tranh chấp liên quan đến Cty Cổ phần Tập đoàn Y - Dược Bảo Long (Cty Bảo Long) đã quá rõ ràng, nhưng nguyên Tổng Giám đốc Cty lại bất chấp các quy định của pháp luật, “giật” lại khối tài sản của người mua rồi vu cho họ là con nợ. Để hiểu rõ hơn về thương hiệu này, chúng tôi cung cấp thêm tới bạn đọc một số thông tin mà cơ quan chức năng đã phát hiện.

Phim "Đường đời" sẽ được "nối tập" sau vụ việc này? (ảnh giới thiệu phim Đường đời trên “baolongduong.vn”)






>>Kỳ II: Từ lạm dụng tín nhiệm đến… lừa đảo, chiếm đoạt tài sản 
>>Kỳ I: Tin bạn mất tiền!

Sản xuất hay thương lái?


Ghé thăm “baolongduong.vn”, chúng tôi được giới thiệu về quá trình trưởng thành của Cty Bảo Long cùng sự nghiệp sản xuất thuốc, trị bệnh cứu người với những phần thưởng cao quý của Nhà nước trao tặng. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu về đơn vị này, PV lại được tiếp cận một sự thật hoàn toàn khác đó là kết quả kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường, Phòng An ninh kinh tế và Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội vào cuối năm 2011 đối với Cty Bảo Long (lúc này đã thuộc về Cty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn - từ đây gọi tắt là Tập đoàn Bảo Sơn) và Cty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long (do ông Nguyễn Hữu Khai làm Giám đốc) gồm: Trụ sở chính của Cty Bảo Long ở Cổ Đông, Sơn Tây; quầy bán thuốc và trưng bày giới thiệu sản phẩm, kho hàng ở Cty Văn Minh An Khánh -  Hoài Đức; phòng khám y học cổ truyền ở chùa Láng - Đống Đa; cơ sở khám y học cổ truyền ở 433 Bạch Mai. Tại thời điểm này, Tập đoàn Bảo Sơn mới mua lại Cty Bảo Long, chưa có đầu tư về sản xuất thuốc hay chữa bệnh nên toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh được kiểm tra kể trên đều thuộc phần điều hành của ông Nguyễn Hữu Khai.

Kết quả có gần 7.000 sản phẩm thuộc 115 loại Đông dược bị tạm giữ. Trong số này, 476 sản phẩm chỉ được phép lưu hành nội bộ, ông Khai lại cho trưng bày và lưu hành tràn lan ngoài thị trường; 3.133 sản phẩm thuốc không có số đăng ký do Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp; 1.700 đơn vị thuốc “Thái bạch đan” đã hết hạn sử dụng nhưng lại lưu giữ ở kho hàng thành phẩm mà không có cảnh báo hết hạn. Ngoài số thuốc kể trên, tổ công tác phát hiện hàng nghìn đơn vị thuốc sản xuất ở Trung Quốc, không rõ nguồn gốc, xuất xứ cụ thể… Có một số loại thuốc khi được giám định, phát hiện có “tẩm chế” hóa chất Tây y cho tăng hiệu quả như Kim Mâu Hoàn (bổ thận, tráng dương).

Điều nghiêm trọng là, qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều tài liệu thể hiện việc trốn thuế, sản xuất kinh doanh trái phép nhiều loại thuốc chữa bệnh không có đăng ký cấp phép của Bộ Y tế. Giả thiết được đặt ra: Liệu có việc nhập thuốc Trung Quốc rồi dán nhãn Bảo Long? Trước hành vi vi phạm này, Thanh tra Y tế đã ra quyết định đình chỉ việc khám, chữa bệnh của ông Khai vô thời hạn. Cơ quan quản lý thị trường ra quyết định phạt Cty Bảo Long 30 triệu đồng, rút giấy phép sản xuất vĩnh viễn; phạt Cty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long 62 triệu đồng và rút giấy phép kinh doanh 9 tháng. Toàn bộ số thuốc phát hiện sai phạm buộc phải tiêu hủy.

Theo thông tin riêng của chúng tôi, cơ quan thuế bước đầu xác định có dấu hiệu của hành vi trốn thuế lớn trong sản xuất kinh doanh tại Cty Bảo Long (thời kỳ ông Khai là Tổng Giám đốc) và Cty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long. Trong các loại thuế trốn nộp ngân sách Nhà nước bước đầu xác định trốn thuế thu nhập cá nhân là 36 tỷ đồng trong dịch vụ chuyển nhượng 100% cổ phần của các cổ đông là Nguyễn Hữu Khai, Lê Thuý Hằng (vợ ông Khai), Nguyễn Hữu Sinh (em ruột ông Khai).

Mập mờ giấy phép sản xuất thuốc

Điều lắt léo của thương hiệu “Bảo Long” còn được thể hiện ở chỗ, ông Khai cho thành lập nhiều đơn vị độc lập, có tư cách pháp nhân riêng biệt có thêm tên “Bảo Long”. Ngoài Cty Bảo Long (đăng ký tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), còn có thêm Cty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long tại cùng địa chỉ. Mặt khác, cũng với tên “Cty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long” đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp phép tại Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn thì nó tiếp tục được bê nguyên ra Bắc để được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp phép mới tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Việc đăng ký nhiều đơn vị độc lập có tên giống nhau dễ làm người ta nhầm lẫn và đánh lẫn lộn trắng, đen trong giấy phép sản xuất dược và phải chăng là kịch bản để sở hữu vĩnh viễn, dễ bề lấy lại thương hiệu “Bảo Long” mặc dù đã được bán đi với số tiền hàng trăm tỷ đồng và, cũng vì thế để dễ hoạt động như dẫn chứng dưới đây.



Các con dấu này thể hiện có quá nhiều Cty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long được Sở Kế hoạch - Đầu tư của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng cấp phép







Cty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long (TP Hồ Chí Minh) được Bộ Y tế cấp giấy phép sản xuất thuốc chữa bệnh, còn Cty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long (Hà Nội) thì không có giấy phép. Vậy, việc sản xuất thuốc của Cty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long tại Hà Nội (là đơn vị không có giấy phép sản xuất dược được ghi nhận bởi đoàn kiểm tra) là vi phạm pháp luật.

Nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, Cty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long  tại TP Hồ Chí Minh cũng không có nhà xưởng và không đủ các yếu tố cần và đủ theo quy định để sản xuất thuốc. Vậy mà, Bộ Y tế vẫn cấp giấy phép sản xuất thuốc chữa bệnh cho đơn vị này. Hơn nữa, giấy phép này đã hết hạn từ tháng 5/2011, sau đó lại được Bộ Y tế gia hạn tiếp đến năm 2013.

Mặc dù đã bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc, và ở thời điểm này là bị cấm sản xuất thuốc, nhưng theo xác minh của chúng tôi, sau khi công nhiên chiếm đoạt trụ sở của Cty Bảo Long để làm trụ sở của Cty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long, đơn vị này vẫn sản xuất thuốc tại đây. Vậy, Thanh tra Bộ Y tế và Sở Y tế có biết việc này? Mặt khác, ông Nguyễn Hữu Khai vẫn ngang nhiên tổ chức khám chữa bệnh tại trụ sở Cty Bảo Long (được đăng tải trên website Bảo Long Đường). Chẳng nhẽ Thanh tra Sở Y tế không biết gì?

Việc cho phép Cty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long (TP Hồ Chí Minh) sản xuất thuốc đã đúng chưa hay hành vi sản xuất thuốc trái phép của Cty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long (Hà Nội) đang diễn ra ở xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây cần được Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội làm rõ.

Côn đồ hóa hành xử

Trong một bài viết của mình đăng tải trên “baolongduong.vn”, ông Khai mô tả việc chiếm trụ sở Cty Bảo Long (tại Sơn Tây, khi đã thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Bảo Sơn) vào tháng 10/2011 đúng nghĩa “kẻ cướp” với niềm tự hào tột cùng! Ai cũng biết, ông Khai ngoài làm… lương y còn là võ sư có nhiều môn sinh. Người chính nghĩa đến với võ thuật để rèn sức, luyện tâm, nhưng cũng có kẻ dùng võ thuật để uy hiếp kẻ yếu, mưu lợi riêng, đáng phê phán và cần được pháp luật nghiêm trị. Thời nay, việc tranh chấp đã có pháp luật phân minh, nhưng cách hành xử của ông Khai về việc chiếm trụ sở của Cty Bảo Long đã nói lên phần nào bản chất bất chấp pháp luật của mình rồi.

Phản ánh với chúng tôi, nhiều nhân viên cũ của ông Khai đã tố cáo vị lương y này từng có hành xử côn đồ với họ, đơn cử như trường hợp bác sĩ Phạm Vĩnh Phúc, dược sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài, điều dưỡng viên Vũ Thị Nguyệt - Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Bảo Long.

Bán Cty, vay tiền để sản xuất và trả nợ rồi tuyên bố đối tác còn thiếu nợ để chiếm lại trụ sở; cho viết bài sai sự thật bôi nhọ Tập đoàn Bảo Sơn và các cơ quan bảo vệ pháp luật rồi cho đăng tải công khai trên trang web cơ quan, thậm chí dùng hình ảnh của các lãnh đạo đương chức và đã nghỉ hưu của Đảng, Nhà nước để làm sức ép dư luận… có phải là bản chất truyền thống của “baolongduong”? Người làm nghề y, điều hướng tới cao cả nhất là sức khỏe con người, nhưng việc làm vi phạm pháp luật về y tế, bị xử phạt như trên đã khiến thương hiệu Bảo Long cần được xem xét lại.

Baolongduong.vn nổi tiếng với câu “Đông dược Bảo Long - Trị tận gốc bệnh”, vậy với những “bệnh” như trên của Bảo Long thì “thuốc” nào trị được tận gốc, chắc bạn đọc đã hiểu.






Theo báo cáo mới nhất của Cty Bảo Long gửi Công an TP Hà Nội, những việc làm của ông Nguyễn Hữu Khai gây ra trong thời gian qua khiến đơn vị này thiệt hại nặng nề về vật chất cũng như tinh thần và thương hiệu. Cụ thể, về việc chuyển nhượng theo Hợp đồng số 01/CNVCP&TS/BL-BS, ngoài số tiền đã nhận gần 230 tỷ đồng, nếu số tiền này gửi ngân hàng trong hơn một năm thì ông Khai đã gây thiệt hại ước tính 59,4 tỷ đồng. Cũng vì việc vi phạm hợp đồng này, ông Khai đã khiến đối tác đầu tư không có hiệu quả hơn 106 tỷ đồng để xây dựng, mua trang thiết bị y tế; nguy cơ phá hợp đồng với các đối tác nước ngoài gần 100 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều khoản tiền khác lên tới hàng chục tỷ đồng như thuê chuyên gia đào tạo, cử học viên đi nước ngoài học tập, thuê tư vấn, thiết kế… cũng bị bỏ đi.

Chưa hết, ngày 12/5/2011, ông Nguyễn Hữu Khai còn vay của Tập đoàn Bảo Sơn 37,3 tỷ đồng, lãi suất 1,75%/tháng, thời hạn vay 1 năm. Đến thời điểm trả nợ (ngày 12/5/2012), ông Khai ngang nhiên tuyên bố không trả cả gốc và lãi vay một năm là 7,8 tỷ đồng. Tổng cộng số tiền ông Khai chiếm đoạt trong phi vụ này là 45,1 tỷ đồng.

Bắc Hà


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét