Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Anh hùng hay tội đồ? Kỳ I: Tin bạn mất tiền!

Anh hùng hay tội đồ? Kỳ I: Tin bạn mất tiền!

Xem tin gốc:

http://thanhtra.com.vn/tabid/77/newsid/56647/temidclicked/2/seo/Ky-I-Tin-ban-mat-tien/Default.aspx

(Thanh tra)- Hẳn mọi người từng biết đến một “người hùng” được mô tả trên bộ phim truyền hình dài tập “Đường đời” của VTV3 mà người ta liên tưởng tới hình ảnh ngoài đời của ông Nguyễn Hữu Khai, nguyên Tổng Giám đốc Cty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Y - Dược Bảo Long (Cty Bảo Long) với lòng mến mộ về sự vươn lên trước mọi gian truân của cuộc đời.

Trụ sở Cty Bảo Long













Tuy nhiên, khác với hình ảnh nghệ thuật trong phim, ông Khai lại biết đến khi báo chí đưa tin vị Tổng Giám đốc của Tập đoàn Y - Dược nổi tiếng này đi chữa bệnh bởi “nhà sư” Lê Quốc Hồ (người được cho là “sư hổ mang” và mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt với tuyên bố sở hữu nhiều chục tỷ USD… vào năm 2005). Và, nổi tiếng hơn khi gần đây trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng lại rộ lên việc các cơ quan chức năng của TP Hà Nội vào cuộc để làm rõ những tố cáo ông Khai lừa đảo và chiếm đoạt tài sản với giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Sự thật là thế nào?

Theo thông tin mà chúng tôi có được, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn (Tập đoàn Bảo Sơn, 50 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội) có mối thâm tình với ông Khai.

Vào dịp Tết Nguyên đán 2011, trong buổi chúc Tết tại Cty Bảo Long, ông Khai có nói với ông Sơn về tình trạng nợ nần của mình và ngỏ ý nhờ giúp đỡ (ngoài nợ ngân hàng với số tiền rất lớn, ông Khai có nợ của 265 người với tổng số tiền là 83,3 tỷ đồng không có khả năng trả nợ). Ngay tại đây, ông Sơn đồng ý và ngày 3/3/2011 hai bên đã ký kết Hợp đồng số 01/CNVCP&TS/BL-BS với nội dung Tập đoàn Bảo Sơn (bên A) nhận chuyển nhượng từ Cty Bảo Long (bên B) 100% vốn cổ phần của các cổ đông được ghi danh sách trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và phần vốn góp bổ sung của các cổ đông với giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng cùng toàn bộ diện tích đất, tài sản xây dựng trên đất, bản quyền thương hiệu sản phẩm (bao gồm các đơn vị: Cty Bảo Long; Cty TNHH Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Bảo Long và Trường Phổ thông Võ thuật Bảo Long) tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội với giá 227,5 tỷ đồng (làm tròn).

Nhận đủ số tiền trên, ngày 8/6/2011, ông Sơn và ông Khai đã có biên bản thoả thuận bàn giao tài sản. Sau đó, ông Nguyễn Hữu Khai đại diện cho Cty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long thuê lại toàn bộ nhà xưởng sản xuất với giá 500 triệu đồng/tháng. Đồng thời, mua lại bản quyền thương hiệu của 15 mặt hàng mà Bộ Y tế cấp phép sản xuất cho Cty Bảo Long (lúc này đã thuộc sở hữu của ông Sơn cùng Tập đoàn Bảo Sơn) với giá 300 triệu đồng. Cty Bảo Long chỉ giữ lại toà nhà 5 tầng và 10 tầng để cải tạo bệnh viện, toà nhà 3 tầng để làm Trường Trung cấp Y - Dược Bảo Long. Kể từ thời điểm đó, Cty Bảo Long đã ký hợp đồng với các đơn vị khác cải tạo lại 2 toà nhà 5 tầng và 10 tầng để làm bệnh viện 200 giường.

Thỏa thuận bằng văn bản là vậy. Nhưng, sau nhiều tháng sử dụng tài sản của Bảo Sơn, ông Khai đã không trả một đồng nào. Thậm chí, ông Khai còn chuyển máy móc, phương tiện sản xuất thuốc (mà không được sự đồng ý của ông Sơn) đến xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội thuê trụ sở của Cty Văn Minh để sản xuất.

Đột ngột, ngày 3/10/2011 ông Khai cho người đánh đập, chửi bới, xua đuổi chuyên gia, cán bộ công nhân viên mới  chiếm lại toàn bộ trụ sở của Cty Bảo Long. Điển hình là ngày 27/10/2011, ông Đặng Quang Tuất - Chánh Văn phòng Cty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long đã chỉ huy phá dỡ trên 26m tường rào, chặt nhiều cây cối của chủ nhân mới.

Ngày 27/4/2012, ông Tuất đã bị Viện KSND TP Hà Nội ra Quyết định số 450/QĐ-VKS-P1A phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can số 175 ngày 10/1/2012 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội về tội hủy hoại tài sản của Tập đoàn Bảo Sơn.

Hành vi chiếm đoạt trụ sở của ông Khai có dấu hiệu của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 137 Bộ luật Hình sự.

Đồng thời với việc chiếm trụ sở của Cty Bảo Long (thuộc Tập đoàn Bảo Sơn) ông Khai còn gửi “Đơn kêu cứu” tới các cơ quan truyền thông vu khống Tập đoàn Bảo Sơn còn nợ mình 125 tỷ đồng vì chưa thanh toán tiền thương hiệu, cây cối, hạ tầng kỹ thuật… Tuy nhiên, trước cơ quan chức năng, ông Khai đã không đưa ra được chứng cứ gì cho việc nợ nần này.

Theo Văn bản số 539/TTTP (P4) ngày 29/3/2012 của Thanh tra TP Hà Nội báo cáo UBND TP Hà Nội, kết quả kiểm tra hiện trạng khu đất và công trình xây dựng trên đất tại Cty Bảo Long: Thanh tra TP đã tiến hành kiểm tra về hiện trạng khu đất và các công trình xây dựng trên đất so với thời điểm ký Hợp đồng số 01/CNVCP&TS/BL-BS, thấy Tập đoàn Bảo Sơn đã tiếp quản một số công trình, nhà xưởng sản xuất (nhà cấp 4), nhà điều hành kỹ thuật (nhà 10 tầng), nhà điều dưỡng (nhà 5 tầng) đang được cải tạo sửa chữa nâng cấp theo giấy phép xây dựng mà UBND Thị xã Sơn Tây cấp. Tuy nhiên, từ tháng 11/2011, ông Khai đã quay lại chiếm dụng tầng 1, 2 nhà 10 tầng và tầng trệt nhà 5 tầng mà Bảo Sơn đang xây dựng, cải tạo.

Qua xem xét hồ sơ thuê đất, đối chiếu với hiện trạng khu đất của Cty Bảo Long, đơn vị này được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cho thuê vào năm 2002 với thời hạn 30 năm để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Xưởng sản xuất thuốc Đông dược - Mỹ phẩm (9.774m2) và xây dựng Trung tâm Y học thể thao dân lập Bảo Long (39.108,3m2). Tổng diện tích được thuê và được Sở Tài nguyên Môi trường Hà Tây (cũ) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 48.882,3m2. Tuy nhiên, Cty lại sử dụng vượt 3.32,4m2. Diện tích sử dụng vượt này được xác định là Cty tự nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của các hộ dân sử dụng đất liền kề. Diện tích đất này được ông Sơn cho ông Khai thuê lại theo nội dung biên bản cuộc họp ngày 8/6/2011.

Quay lại thời điểm ký kết Hợp đồng số 01, Tập đoàn Bảo Sơn đã ký với ông Nguyễn Hữu Khai (lúc đó vẫn là Tổng Giám đốc Cty Bảo Long, vì thời điểm này chưa hoàn tất các điều khoản của Hợp đồng 01) 2 hợp đồng về việc khoán kinh doanh có thời hạn 1 năm (kết thúc ngày 23/3 và 28/4/2012). Theo nội dung của hợp đồng này, Tập đoàn Bảo Sơn cho ông Khai vay tổng số tiền là 10 tỷ đồng để mua nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh theo hình thức khoán kinh doanh với nghĩa vụ thanh toán cho Tập đoàn Bảo Sơn số tiền lãi là 240 triệu đồng/tháng và đến hạn tháng 3/2012 sẽ thanh toán cả gốc và lãi.

Nhận được 10 tỷ đồng, nhưng phía ông Khai không mua nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh mà lại sử dụng số tiền đó vào mục đích riêng, không đưa số tiền này vào sổ sách kế toán tài chính. Và, cho đến thời điểm này, ông Khai không thực hiện sản xuất như cam kết để vay vốn và cũng “quỵt” luôn cả gốc lẫn lãi.

Theo một chuyên gia pháp luật, việc dùng pháp nhân để ký hợp đồng công khai nhận được 10 tỷ đồng vốn vay rồi sau đó gian dối sử dụng tài sản đó vào mục đích cá nhân dẫn đến hậu quả không có khả năng trả nợ là có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140, Bộ luật Hình sự.






Điều 137 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân”.

 Điều 140 Bộ luật Hình sự quy định tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi vay, mượn, thuê tài sản người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó, sử dụng vào việc bất hợp phát dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

                                                           Bắc Hà


Kỳ II: Từ lạm dụng tín nhiệm đến… lừa đảo, chiếm đoạt tài sản



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét