Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Bài số 21: Uẩn khúc trong vụ tranh chấp giữa “Bảo Long” và “Bảo Sơn”

 Uẩn khúc trong vụ tranh chấp giữa “Bảo Long” và “Bảo Sơn”

Báo Người Hà Nội Số 19 (1371) ra ngày thứ 6 (11/5/2012)

Xem tin gốc:

http://nguoihanoi.com.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=24434


(NHN) Việc ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản, vốn cổ phần, pháp danh thương hiệu giữa “Bảo Long” với “Bảo Sơn” hiện đang trong tình trạng tranh chấp, gây dư luận nổi cộm trong cả năm qua.




Sự xung đột giữa hai “Đại gia” đã để lại những dấu ấn trên nền cơ chế thị trường khắc nghiệt . Có nhiều uẩn khúc mà đông đảo bạn đọc quan tâm nhưng chưa được sáng tỏ. Chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Hữu Khai - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long để tìm hiểu. Sau đây là cuộc phỏng vấn của Phóng viên với ông Nguyễn Hữu Khai:

Theo quan điểm của ông thì ông Nguyễn Trường Sơn có nhận định nhầm về kết quả của việc khởi kiện trước Tòa án nhân dân TP Hà Nội không?

Ông Nguyễn Trường Sơn không hề nhận định nhầm về thắng bại trong việc đối chất với “Bảo Long”. Bởi chứng cớ cùng lý lẽ đã rành rành bằng giấy trắng mực đen. Đồng thời ông ta cũng thừa hiểu kết cục của hợp đồng chuyển nhượng giữa    “Bảo Long “với “Bảo Sơn” sẽ dẫn tới lời tuyên vô hiệu của Tòa án nhân dân TP Hà Nội do sự phân tích của cán bộ thụ lý và luật sư. Ngày 05/10/2011 tại buổi thanh tra Thành phố làm việc tại Tập đoàn Y dược Bảo Long, luật sư Vũ Mạnh Hùng phân tích: Hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và đất đai nhà xưởng giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long với Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn, soạn thảo và thực hiện không tuân thủ quy chế, nguyên tắc luật pháp…

Tuy nhiên ông Sơn vẫn phải khởi kiện để sự vụ nhanh được giải quyết nhằm giảm bớt tổn thất trong việc đã chuyển tiền cho “Bảo Long” mà không sinh lợi nhuận do tình thế “tiến thoái lưỡng nan. Vì thế khi làm đơn khởi kiện ông Sơn đã tìm cách lách luật để giảm án phí. Trong đơn khởi kiện ông Sơn lấy tư cách là một cổ đông kiện về việc: “Tranh chấp thành viên Công ty” để án phí chỉ phải nộp vài triệu (1,5% trên tổng số tiền tranh chấp trong vụ án). Nếu mang danh nghĩa đơn vị nhận chuyển nhượng để kiện thì án phí có thể tới hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên với tên đơn kiện thì nhỏ nhưng khi đòi hỏi tòa giải quyết thì đòi thật lớn, đòi hết mọi chuyện…!



Theo ông thì ông Nguyễn Trường Sơn rút đơn khởi kiện có phải như lý do trình bày để được rút đơn là : “…Để củng cố chứng cớ và để thỏa thuận với bị đơn (Bảo Long)?

Hoàn toàn không phải như vậy! Vì hàng tuần Tòa mới triệu tập làm việc một buổi đồng thời có thể nêu lý do để được Tòa cho hoãn buổi làm việc. Thế thì việc gì phải rút đơn để củng cố chứng cớ. Đối với người thực, việc thực, lý lẽ thực thì việc gì phải cầu kỳ mất nhiều thời gian để nặn lời, gọt chữ…! Còn với lý do để thỏa thuận với Bị đơn (Bảo Long) thì càng không phải. Kể từ khi bất đồng ông Nguyễn Trường Sơn không quan tâm đến việc thương lượng mà thể hiện tính cách “gia trưởng, kẻ cả..” đơn phương áp đặt theo ý mình. Khi không được như ý thì ông ta tìm cách triệt hại đối thủ để cho khổ, cho sợ và kiệt quệ …!

Ông Sơn cùng trợ lý Nguyễn Tiến Lợi đã buột miệng công bố: “…Bằng mọi giá sẽ khép Nguyễn Hữu Khai cùng cộng sự vào tội hình sự để bỏ tù…!”. Hiện nay họ đang ráo riết thực hiện điều đó: Ngày 02 tháng 5 năm 2012, ông Đặng Quang Tuất – Phó bí thư Đảng bộ kiêm Chánh văn phòng Tập đoàn Y dược Bảo Long đã bị Viện kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội tống đạt quyết định số: 450/QĐ-VKS-PIA ký ngày 27 tháng 4 năm 2012 về việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can. Kèm theo quyết định khởi tố bị can số: 175 ký ngày 11/01/2011 và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú ký ngày 27 tháng 4 năm 2012 của cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Hà Nội. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Hà Nội đã căn cứ quyết định khởi tố vụ án hình sự số:187 ngày 05 tháng 11 năm 2011 của cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thị xã Sơn Tây để ra quyết định khởi tố bị can. Việc ban hành các văn bản quyết định trên là không công minh và không có cơ sở pháp lý bởi: Tòa nhà 4 tầng trong khuôn viên “Bảo Long” vừa xây dựng xong. Mặt hiên sát với tường rào. Bên ngoài tường rào là hàng cây xà cừ, tiếp theo là sân bóng đá. Ngày 27 tháng 10 năm 2011, ông Đặng Quang Tuất - Chánh văn phòng Tập đoàn Y dược Bảo Long với chức năng quyền hạn: Quản lý, điều hành khối an ninh bảo vệ, bảo trì xây dựng, đời sống cơ sở vật chất và khuôn viên môi trường đã thuê anh Nguyễn Tiến Đức và anh Nguyễn Văn Đọn (cư trú tại xã Sơn Đông, TX Sơn Tây) phá dỡ 21,6 mét tường rào và chặt 5 cây xà cừ, 2 cây phượng để làm sân cho tòa nhà 4 tầng thông thoáng với sân bóng đá. Đây là việc cải tạo cho sạch đẹp theo quy hoạch khuôn viên của Tập đoàn Y dược Bảo Long. Tuy nhiên Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thị xã Sơn Tây đã nhận đơn tố cáo của “Bảo Sơn” khép tội hủy hoại tài sản công dân và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Tường rào và cây cối hiện do Tập đoàn Y dược Bảo Long quản lý. Việc chuyển nhượng tài sản, vốn cổ phần, pháp danh thương hiệu giữa “ Bảo Long” với “Bảo Sơn” hiện đang trong tình trạng tranh chấp. Trong thời gian Tòa án nhân dân Hà Nội đang xem xét chưa phân xử thì cơ quan cảnh sát điều tra Công an TX Sơn Tây dựa trên tư cách, thẩm quyền và cơ sở pháp lý nào để công nhận khuôn viên “Bảo Long” là thuộc quyền sở hữu của “Bảo Sơn”!?

Ngoài ra cơ quan An ninh điều tra được thay thế An ninh kinh tế nối tiếp việc truy cứu điều tra xét hỏi cán bộ nhân viên “Bảo Long” theo đơn “tố cáo” của ông Nguyễn Trường Sơn (viêc mà ông Phạm Xuân Ánh cán bộ An ninh kinh tế đã hành hạ “Bảo Long” gần 6 tháng qua!). Ông Nguyễn Trường Sơn rất giầu kinh nghiệm và rất nhiều “chiến tích” trong các cuộc tranh chấp kiện tụng. Ông ta trông chờ vào tia hy vọng khi thực hiện được lời buột miệng công bố nói trên…!

Nay tình trạng Khuôn viên và hoạt động của các đơn vị thuộc Tập đoàn Y dược Bảo Long thế nào?

Khuôn viên “Bảo Long” đã trở lại thanh bình. Sản phẩm Đông dược Bảo Long vẫn được khách hàng tin tưởng ưa dùng và mãi lực luôn tăng trưởng. Bệnh nhân khắp cả nước vẫn tìm về “Bảo Long” chữa bệnh. Bị mất Bệnh viện, chúng tôi đã thành lập nhiều phòng chẩn trị “Bảo Long Đường” nhưng bị hạn chế là đối với bệnh nhân bại liệt và những bệnh nhân phải theo dõi, chăm sóc hàng giờ thì không nhận được bởi phòng chẩn trị không được phép lưu trú bệnh nhân. Trường Phổ thông Võ thuật Bảo Long vẫn duy trì huấn luyện đào tạo võ sinh năng khiếu. Nay học sinh cũ hầu hết đã trở về trường và có thêm nhiều học sinh mới.

                                                                               Xin cảm ơn ông !





Tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai:

Xây dựng thương hiệu từ nhân cách


Xem tin gốc:

http://suckhoedoisong.vn/20110611094443151p61c71/xay-dung-thuong-hieu-tu-nhan-cach.htm



Tại Hội thảo Quốc gia về phát triển thương hiệu từ nhãn hiệu - Lợi ích của nhãn hiệu đối với sự phát triển và nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua chiến lược thương hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (NOIP) và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) phối hợp tổ chức. Thầy thuốc ưu tú, TS. Nguyễn Hữu Khai - Tổng Giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long là một trong hai thuyết trình viên tiêu biểu đại diện cho khối doanh nghiệp Việt Nam trình bày quan điểm, kinh nghiệm của bản thân với chủ đề tạo dựng và duy trì một thương hiệu thành công bền vững. Trong bài giảng của mình, TS. Nguyễn Hữu Khai đã trình bày quan điểm về thương hiệu và quá trình xây dựng thương hiệu của Tập đoàn Y dược Bảo Long hay còn gọi là “Bảo Long đường”.

Không giống những doanh nhân khác, TS. Nguyễn Hữu Khai cho rằng, thương hiệu muốn thành công phải được xây dựng từ nhân cách và không chỉ mạnh về tài chính mà còn phải là một thương hiệu giàu tính nhân văn mà cái gốc là từ con người. Tiêu chí xây dựng thương hiệu của “Bảo Long đường” được xác định từ người đứng đầu, làm chủ sự nghiệp đến các cộng sự gần gũi rồi đến tập thể cán bộ công nhân viên. Khi con người mang nhân cách sống lành mạnh có ấn tượng tốt đẹp, được công chúng tin yêu mến mộ thì khi làm ra sản phẩm rất dễ dàng được công chúng chấp nhận, tin dùng và khi những danh tiếng, những hàng hóa được quan tâm nổi trội thì người ta tìm hiểu đến người làm ra nó, nếu những người làm ra nó mà có tình cảm, có niềm tin yêu trong công chúng thì ấn tượng tốt đẹp và danh tiếng những hàng hóa đó được nhân lên gấp bội và bền vững. Chính vì vậy người đứng đầu cần phải xây dựng một nhân cách chuẩn mực có định hướng, có tiêu chí và có tiêu chuẩn cụ thể. Với tư cách là người khai sinh và xây dựng “Bảo Long đường” từ những tháng ngày gian nan và khó khăn nhất, TS. Nguyễn Hữu Khai luôn cố gắng tu dưỡng mình đồng thời quản lý giáo dục học trò và CBCNV sống và làm việc theo đạo lý. Từ đó đã xây dựng được thương hiệu cũng là sự nghiệp của mình mang tên “Đông dược Bảo Long” hay còn gọi là “Bảo Long đường”.

TS. Nguyễn Hữu Khai trình bày quan điểm về thương hiệu từ kinh nghiệm của Tập đoàn Y dược Bảo Long.


Ông cho rằng: Đạo lý thực sự rất thiết thực, hữu ích và không thể thiếu được trong mọi thành đạt. Bởi người đứng đầu doanh nghiệp sẽ có sức ảnh hưởng lan tỏa mạnh mẽ đến toàn bộ nhân viên. Khi ý chí, lí tưởng và nhân cách của người lãnh đạo trở thành mục tiêu phấn đấu của đa số cán bộ công nhân viên thì sẽ tạo thành một nét văn hóa độc đáo mang bản sắc riêng của công ty và đó cũng chính là thương hiệu. Với ông, ngoài ra còn phải kể đến sự yêu nghề. Gắn bó sống chết với sự nghiệp y dược và cũng có thêm một thuận lợi là con nhà võ nên ý chí, nghị lực và sức chịu đựng hơn mức bình thường.

Một trong những yếu tố quan trọng của việc tạo dựng thương hiệu là công tác tuyên truyền và quảng bá. “Bảo Long đường” tuyên truyền, quảng cáo cho thương hiệu của mình theo phương thức sâu rộng và ấn tượng tới đông đảo công chúng bằng cách tổ chức các cuộc hội thảo khoa học với đề tài “Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe” tại hầu hết các tỉnh, thành phố.

Chính vì vậy mà trong suốt 20 năm qua “Bảo Long đường” không chỉ là đơn vị điển hình trong lĩnh vực sản xuất thuốc Đông dược và khám chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền đạt hiệu quả cao mà còn luôn dẫn đầu trong các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao và những đóng góp cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Mỗi năm, Tập đoàn Y dược Bảo Long đều tổ chức cho cán bộ công nhân viên và sinh viên hiến máu nhân đạo và cấp hơn 4 vạn thẻ ưu tiên khám bệnh miễn phí và cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân diện chính sách ưu tiên; Hằng năm tổ chức đưa bác sĩ, y tá về khám chữa bệnh miễn phí cho hàng ngàn bà con người dân tộc thiểu số ở những vùng xa xôi hẻo lánh như Sìn Hồ - Lai Châu; Bắc Hà, Mường Khương, Simacai - Lào Cai. Bên cạnh đó, Tập đoàn còn cưu mang, giúp đỡ nhiều mảnh đời éo le bất hạnh và chữa trị bệnh hiểm nghèo cho họ. Đó là một nét rất riêng làm nên thương hiệu “Bảo Long đường” mang đậm bản chất nhân văn.

Bài thuyết trình của TS. Nguyễn Hữu Khai đã nhận được sự ủng hộ và cổ vũ nhiệt tình của tất cả đại biểu tại hội thảo và tạo nên một ấn tượng lạ, rất tốt đẹp trong mắt các chuyên gia quốc tế. Họ cho rằng, quan điểm xây dựng thương hiệu của “Bảo Long đường” mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và đậm chất Á Đông.

Với 20 năm phát triển và xây dựng thương hiệu, “Bảo Long đường” được người tiêu dùng có nhiều ấn tượng tốt đẹp, luôn bình chọn là thương hiệu hàng đầu, thương hiệu vì cộng đồng. Kinh nghiệm thực tế và sự thành công của “Bảo Long đường” trong việc tạo dựng một thương hiệu thành công cũng đã trở thành một hình tượng điển hình góp phần quan trọng trong hệ thống các doanh nghiệp Việt Nam.
Phi Nga



"Bảo Long" với quá trình xây dựng thương hiệu


Xem tin gốc:

Theo báo Người Cao Tuổi ra ngày 10/1/2012

Tiền thân của Tập đoàn Y dược Bảo Long là nhà thuốc "Ngũ Long dược phòng", được thành lập năm 1987 tại TP Hồ Chí Minh từ nhóm học sinh y võ do Lương y, võ sư Nguyễn Hữu Khai đào tạo.

Có 5 sản phẩm đặt tên theo ngũ hành: Kim Long, Mộc Long, Thủy Long, Hỏa Long, Thổ Long. Tiếp thị chủ yếu bằng hình thức "Sơn đông mãi võ". Năm 1989 hợp tác với Công an TP Hồ Chí Minh, thành lập Xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long. Ngày 15-4-1993 thành lập Công ty Đông Nam dược Bảo Long. Trong những năm đầu gây dựng, thầy trò "Bảo Long" nay đây mai đó như chiếc thuyền bồng bềnh trên biển thương trường, luôn bị các đối thủ cạnh tranh, chèn ép. Cơ sở phải chuyển địa điểm tới 17 lần, nhiều lần trắng tay rồi lại vực lên làm lại từ đầu.Những năm cuối thập kỉ 90, "Bảo Long" đã kiện toàn và phát triển mạnh mẽ. Ngoài thị trường trong nước còn thành lập chi nhánh tại Liên bang Nga, Liên bang Đức… và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Hàng chục sản phẩm được cấp giấy phép lưu hành trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga, Lát-vi-a, U-crai-na, Cộng hòa Séc… Đặc biệt tại Trung Quốc (cái nôi của Đông dược) cũng đã cấp giấy phép cho "Bảo Long" thành lập chi nhánh, cho phép lưu hành sản phẩm mang tên: "Thanh Long" đặc trị bệnh tiểu đường.

Sau đó, Lương y Nguyễn Hữu Khai ra Bắc xây dựng cơ sở khám chữa bệnh, gieo trồng dược liệu, chọn vùng đất địa linh nhân kiệt xứ Đoài (Cổ Đông, thị xã Sơn Tây) lập đại bản doanh. Khi chọn vị trí và tiến hành đào móng xây nhà, thấy những di vật và nền cũ của ngôi chùa đã bị vùi lấp. Thầy Khai đã cho dời vị trí xây văn phòng, xây một khu văn hóa tâm linh để tôn thờ y tổ và tưởng niệm các bậc Danh y tiền bối, các bậc Thánh võ. Đồng thời là nơi để các võ sinh tĩnh tâm luyện khí công, cán bộ công nhân cùng bệnh nhân thư giãn tâm hồn. Thấy trống trải, những bệnh nhân từ thiện và "thập tử nhất sinh" được cứu sống tại Bệnh viện đa khoa Bảo Long đã rước tượng Phật tới cung tiến, đến nay trở thành một ngôi chùa. Được sự chỉ giáo của Hoà thượng Thích Thanh Tùng, thầy Khai đã xây Miếu "Hàn lâm sở" để quy tụ cô hồn không nơi nương tựa. Lạ thay, kể từ ngày "Bảo Long" khai quang, các vụ tai nạn trên cung đường cây số 10 giảm dần rồi trở nên thanh bình, dân cư đông đúc. Khuôn viên mở rộng từ 2ha lên hơn 5ha.



Võ sư, nhà văn, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hữu Khai trưởng thành một doanh nhân, một thủ lĩnh giỏi về tổ chức. Ông cùng anh chị em và học trò xây dựng Tập đoàn Y dược Bảo Long với 15 Công ty, trường học, Bệnh viện… gần 1.000 CBCNV thương yêu đoàn kết trong mái ấm "Bảo Long". Tập đoàn có một khuôn viên gần 6ha nhà xưởng khang trang, rợp bóng cây xanh. Để chủ động cung cấp nguồn dược liệu sạch và chất lượng cho sản xuất thuốc và điều trị "Bảo Long" đã tiếp quản và khôi phục Nông trường dược liệu tại cao nguyên Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu (trồng hầu hết các chủng loại dược liệu có ở Trung Quốc); xây dựng Bệnh viện đa khoa Bảo Long thân thiện của bệnh nhân cả nước và Việt kiều. Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào, Cam-pu-chia tin tưởng, thường xuyên đến thăm và khám chữa bệnh. Trong những năm qua đã điều trị thành công nhiều căn bệnh hiểm nghèo được các cơ quan truyền thông ca ngợi là những điều kì diệu trong y học. Với những sản phẩm Đông dược, mĩ phẩm thảo dược, thực phẩm chức năng và kết quả đặc hiệu của Bệnh viện đa khoa Bảo Long và các cơ sở khám chữa bệnh "Bảo Long Đường", thương hiệu Y dược Bảo Long đã có uy tín rộng lớn với đông đảo công chúng trong và ngoài nước và trở thành Tập đoàn lớn, đứng đầu về lĩnh vực Y dược cổ truyền.

Báo chí đã hình tượng hóa Tập đoàn y dược Bảo Long là: "Con rồng từ đất chui lên" thật sâu sắc và ấn tượng. Chỉ thế cũng đủ hiểu xuất xứ và chặng đường gian nan khổ ải trong quá trình xây dựng và trưởng thành của "Bảo Long". Hàng trăm bài phóng sự, kí sự của báo viết, báo hình, đặc biệt truyện phim 25 tập mang tên "Đường đời" đã khắc họa hình ảnh đứa con của đất. Đó cũng là bản thể của một con rồng giản dị, hiền lành, nhân đức, lãng tử nhưng đầy bản lĩnh dũng mãnh, hội đủ tài năng văn võ và khôn khéo trong ứng xử để xây dựng nên một thương hiệu danh giá cho đất nước như võ sư Nguyễn Hữu Khai.Thương hiệu là một dấu ấn đặc biệt để nhận biết một sản phẩm, một hàng hóa hay dịch vụ được sản xuất, được cung cấp bởi một tổ chức hoặc một cá nhân. Thương hiệu thành công không chỉ là thế mạnh về tài chính mà còn giàu tính nhân văn. Cái gốc là từ con người. Từ người đứng đầu, làm chủ sự nghiệp đến các cộng sự rồi đến tập thể cán bộ, công nhân viên. Một nhân vật mang nhân cách sống lành mạnh có ấn tượng tốt đẹp, được công chúng tin yêu mến mộ thì khi làm ra sản phẩm rất dễ được chấp nhận. Khi những danh tiếng, những hàng hóa được quan tâm nổi trội thì người ta sẽ tìm hiểu đến người làm ra nó trong niềm tin yêu ấn tượng tốt đẹp cùng danh tiếng những hàng hóa đó được nhân lên gấp bội. Có những thương hiệu giá trị gấp hàng trăm, hàng ngàn lần so với tài sản hiện hữu.

Tập đoàn Y dược Bảo Long là một trong hai đơn vị trong cả nước được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) bình chọn thành công trong việc xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu. Ngày 7-6-2011, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo long đã được mời dự và phát biểu tham luận tại Hội thảo quốc tế về: "Phát triển Thương hiệu từ nhãn hiệu…."Do ảnh hưởng suy giảm kinh tế toàn cầu và trong nước, "Bảo Long" cũng như nhiều doanh nghiệp vô cùng khó khăn về tài chính. Đầu năm 2011 đã phải chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất, tài sản xây dựng trên đất cùng vốn cổ phần và thương hiệu hai Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long và Bệnh viện đa khoa Bảo Long.Vậy giá trị thương hiệu Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long và Bệnh viện đa khoa Bảo Long là bao nhiêu ? Giá giá trị tiềm ẩn của thương hiệu thật khó hình dung nếu không phải là nhà chuyên môn. Năm 2010 www.interbrand.com công bố mười thương hiệu có giá trị nhất Thế giới: Coca Cola = 70,452 tỉ USD; IBM = 64,727 tỉ USD; Microsoft = 60,895 tỉ USD; Google = 43,557 tỉ USD; GE = 42,808 tỉ USD, McDonald's = 33,578 tỉ USD; Intel = 32,015 tỉ USD; Nokia = 29,479 tỉ USD; Disney = 28,731 tỉ USD; Hewlett - Packard = 28,867 tỉ USD.v.v… Những thương hiệu của Việt Nam đã được chuyển nhượng: Hãng Colgate (Mỹ) đã mua thương hiệu kem đánh răng "Dạ Lan" với giá 3 triệu USD tương đương 60 tỉ đồng. Công ty Unilever đã mua thương hiệu kem đánh răng P/S với giá 5 triệu USD tương đương 100 tỉ đồng. Tập đoàn Vina Capital mua 20% thương hiệu Thực phẩm chức năng "Yến Việt" với giá 7,5 triệu USD tương đương 150 tỉ đồng (Tổng giá trị thương hiệu "Yến Việt" bằng 35 triệu USD tương đương 700 tỉ đồng). Đầu năm 2011 Công ty Unicharm (Nhật Bản) mua thương hiệu Diana (băng vệ sinh phụ nữ) với giá 184 triệu USD tương đương 4.000 tỉ đồng.v.v… Việc định giá trị thương hiệu có nhiều phương pháp đã được quốc tế và Bộ Tài chính ban hành. Trong đó có việc định giá theo thoả thuận giữa hai bên chuyển nhượng và theo phương thức so sánh. Thương hiệu Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long được tôn vinh là Thương hiệu mạnh Việt Nam; Thương hiệu Việt Nam hàng đầu Top 100; Giải thưởng Sao Vàng đất Việt; Cúp vàng Tự hào thương hiệu Việt…Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được Thủ tướng tặng Bằng khen. Những sản phẩm Đông dược nổi tiếng của Bảo Long có thể so sánh với thương hiệu "Diana"?. Bệnh viện đa khoa Bảo Long - Một thương hiệu thân thiện, y đức và hiệu quả được đông đảo công chúng trong nước và Việt kiều tin yêu mến mộ, có thể so sánh với Thương hiệu "Yến Việt"? Hi vọng "Bảo Long"sẽ bảo vệ được thành quả của mình và lại một lần nữa trỗi dậy với những bước tiến huyền thoại để trở thành một đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh trong tốp các thương hiệu Việt và tiếp tục phát triển sự nghiệp cao cả góp phần đáng kể trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân

DUY PHÚC
(Nguồn từ: Báo Người cao tuổi)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét