Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Bài số 20:Liên quan đến tranh chấp giữa Bảo Long và Bảo Sơn: Tôi cũngmuốn sớm dứt điểm vụ việc

   Liên quan đến tranh chấp giữa Bảo Long và Bảo Sơn: Tôi cũng muốn sớm dứt điểm vụ việc


Theo Báo Người Cao Tuổi ra ngày thứ sáu, 11/05/2012

Xem tin gốc:

http://www.nguoicaotuoi.org.vn/printContent.aspx?ID=7731

Việc chuyển nhượng tài sản, vốn cổ phần, thương hiệu giữa Tập đoàn Bảo Long với Tập đoàn Bảo Sơn rồi xảy ra tranh chấp suốt cả năm qua, dẫn tới việc ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Sơn gửi đơn khởi kiện Tập đoàn Bảo Long, do TS Nguyễn Hữu Khai, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ra Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Vụ việc xem ra chưa có hồi kết khi các cơ quan nỗ lực hòa giải nhiều lần không thành, công an cũng đã vào cuộc thì đột nhiên, ngày 3-4, với lí do để củng cố thêm tài liệu, chứng cứ và thời gian thỏa thuận với bị đơn, ông Nguyễn Trường Sơn đã rút đơn khởi kiện Tập đoàn Bảo Long.Tuy nhiên, vụ việc còn nhiều uẩn khúc cần sớm được sáng tỏ. Nhằm rộng đường dư luận, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Khai, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long về những nội dung liên quan

Ông Nguyễn Hữu Khai




PV: – Có ý kiến cho rằng, ông Nguyễn Trường Sơn nhận định sai và không được như mong muốn về việc khởi kiện trước Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Ông Nguyễn Hữu Khai: – Ông Nguyễn Trường Sơn không nhận định sai về thắng bại trong việc đối chất với “Bảo Long”. Bởi chứng cớ cùng lí lẽ đã rành rành bằng giấy trắng mực đen. Đồng thời ông ta thừa hiểu kết cục của hợp đồng chuyển nhượng giữa Bảo Long với Bảo Sơn sẽ dẫn tới lời tuyên vô hiệu của Tòa án Nhân dân TP Hà Nội do sự phân tích trong các lần hòa giải và luật sư. Trong buổi Thanh tra thành phố làm việc tại Tập đoàn Y dược Bảo Long (ngày 5-10-2011), luật sư Vũ Mạnh Hùng phân tích:

Hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và đất đai nhà xưởng giữa Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long với Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn, soạn thảo và thực hiện không tuân thủ quy chế, nguyên tắc luật pháp. Việc chuyển nhượng đất dự án thuê của Nhà nước chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc chuyển nhượng cổ phần chưa tính giá trị thực của cổ phiếu khi chuyển nhượng, chưa thông qua đại hội đồng cổ đông. Việc chuyển nhượng (bán nhà, xưởng) không viết hóa đơn, không có thủ tục mua bán hợp pháp. Đơn vị nhận chuyển nhượng là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn không có chức năng sản xuất thuốc và khám chữa bệnh. Việc thay tên, đổi chủ Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long thành Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Sơn chưa được ngành y tế phê duyệt. Chữ nghĩa văn bản nhiều điều khoản không rõ ràng dẫn tới tranh chấp…

Tuy nhiên, ông Sơn vẫn phải khởi kiện để sự vụ nhanh được giải quyết nhằm hạn chế tổn thất vì số tiền đã chuyển cho Bảo Long mà không sinh lợi nhuận do tình thế tiến thoái lưỡng nan. Do đó, khi làm đơn khởi kiện, ông Sơn đã tìm cách lách luật để trốn án phí (theo quy định của pháp luật, bên thua kiện phải nộp án phí). Trong đơn khởi kiện ông Sơn lấy tư cách là một cổ đông kiện về việc: “Tranh chấp thành viên Công ty” để án phí chỉ phải nộp thấp (1,5% trên tổng số tiền tranh chấp trong vụ án). Nếu mang danh nghĩa đơn vị nhận chuyển nhượng để kiện thì án phí có thể tới hàng chục tỉ đồng. Điều đáng nói là xem qua nội dung đơn kiện tưởng nhỏ nhưng khi đòi hỏi Tòa giải quyết thì lại không hề nhỏ!

PV: – Với lí do trình bày khi rút đơn: “…Để có thời gian củng cố thêm tài liệu, chứng cứ phục vụ giải quyết vụ án và thỏa thuận với bị đơn (Bảo Long). Theo ông, những lí do mà ông Nguyễn Trường Sơn đưa ra như trên có phù hợp với thực tế vụ việc giữa hai bên trong thời điểm đó không?

Ông Nguyễn Hữu Khai: – Hoàn toàn không phải vậy! Vì cả tuần, thậm chí lâu hơn Tòa mới triệu tập làm việc một buổi chứ đâu phải ngày nào cũng cần có mặt. Hơn nữa, khi Tòa triệu tập, nếu cả nguyên đơn và bị đơn có lí do chính đáng, hợp lí Tòa sẵn sàng chấp thuận hoãn buổi làm việc. Vậy thì việc gì phải rút đơn để củng cố chứng cứ? Nếu người thực, việc thực, lí lẽ chính đáng thì việc gì phải mất nhiều thời gian để cầu kì nặn lời, gọt chữ! Còn với lí do để thỏa thuận với bị đơn (Bảo Long) mà ông Sơn nại ra khi rút đơn thì càng không phải. Kể từ khi hai bên bất đồng, ông Sơn không quan tâm đến việc thương lượng mà đơn phương áp đặt mọi việc theo ý mình. Khi không được như ý thì ông tận dụng tiềm lực kinh tế và các quan hệ, tìm cách đe dọa, triệt hạ đối thủ! Chính vì thế khiến việc hợp tác bất thành, uy tín cả hai bên xấu đi, quan hệ giữa hai bên ngày càng căng thẳng.

Tôi cho rằng, lí do mà ông Sơn rút đơn khởi kiện vì diễn biến vụ việc sẽ bất lợi do chính ông gây ra! Nếu hợp đồng chuyển nhượng giữa Tập đoàn Bảo Long với Tập đoàn Bảo Sơn bị tuyên vô hiệu thì của ai trả người nấy. Nhưng ông Sơn đã lỡ chiếm đoạt pháp danh, thương hiệu Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long và Bệnh viện Đa khoa Bảo Long giờ muốn trả lại Bảo Long cũng không được. Bởi thương hiệu là danh dự, là uy tín… Khi chiếm được, ông Sơn đã cố tình để Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long bị phạt, bị thu giấy phép hoạt động rồi công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là thông báo trong chương trình thời sự VTV1. Còn Bệnh viện Đa khoa Bảo Long, ông Sơn đã đổi tên thành Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn và cho ngưng hoạt động… giả như Tòa tuyên của ai trả người nấy thì Bảo Sơn còn gì để hoàn trả Bảo Long? Cho nên ông Sơn rút đơn khởi kiện nhằm kéo dài thời gian. Đồng thời tiếp tục “lối mòn” bới lông tìm vết, vu oan buộc tội và tìm cách hình sự hóa sự việc. Ông Sơn và trợ lí Nguyễn Tiến Lợi từng buột miệng tuyên bố: “…Bằng mọi giá sẽ khép Nguyễn Hữu Khai cùng cộng sự vào tội hình sự để bỏ tù!”.

Liên quan đến việc tranh chấp giữa hai tập đoàn, ngày 27-4-2012, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Quang Thành đã kí Quyết định số 450/QĐ-VKS-P1A, ngày 27-4-2012 về việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Quang Tuất, Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chánh văn phòng Tập đoàn Y dược Bảo Long. Điều đáng lưu ý, tại Quyết định khởi tố bị can số 175, do Thượng tá Trương Thọ Toàn, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Hà Nội kí ngày 11-1-2012 nêu: Căn quyết định khởi tố vụ án hình sự số 187 ngày 5-11-2011 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thị xã Sơn Tây, Hà Nội… Sau khi nghiên cứu tài liệu điều tra trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ và quyết định khởi tố bị can đối với Đặng Quang Tuất về tội hủy hoại tài sản quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự. Nực cười ở chỗ, trong Quyết định số 175 ghi: Đặng Quang Tuất đăng kí HKTT: Cụm 4, xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Nghề nghiệp: Cán bộ văn phòng Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long… đã có hành vi thuê anh Nguyễn Tiến Đức và Nguyễn Văn Đọn phá dỡ 21,6 m tường và chặt hạ 5 cây xà cừ, 2 cây phượng vĩ của Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long, tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Vậy, mặc nhiên Công an Hà Nội biết rõ ông Đặng Quang Tuất là cán bộ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long, thì việc ông Tuất thuê ai hay tự tay cải tạo, đập phá, sửa sang các hạng mục trong khuôn viên của cơ quan thì có gì là sai để khởi tố?

Có lẽ, sau gần nửa năm qua An ninh kinh tế truy xét, điều tra cán bộ, nhân viên Bảo Long theo đơn của ông Nguyễn Trường Sơn nhưng xem ra có phần vướng, khiến Cơ quan Cảnh sát Điều tra phải thay thế? Đây cũng là chiêu thức mà ông Nguyễn Trường Sơn rất giàu kinh nghiệm và thường dùng trong các cuộc tranh chấp, kiện tụng.

PV: – Nay hoạt động của các đơn vị thuộc Tập đoàn Y dược Bảo Long thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Khai: – Hiện nay đồn Công an Đồng Mô thuộc Công an thị xã Sơn Tây đã chuyển khỏi khuôn viên Tập đoàn Y dược Bảo Long, trả lại phòng ốc, thiết bị, đồ dùng, công cụ cho Tập đoàn Y dược Bảo Long. Bảo Sơn không cho người theo dõi, gây rối và quậy phá tại trụ sở Tập đoàn Y dược Bảo Long. Sản phẩm Đông dược Bảo Long vẫn được khách hàng tin tưởng, ưa dùng và mãi lực luôn tăng trưởng. Bệnh nhân khắp cả nước vẫn tìm về Bảo Long chữa bệnh. Bị mất Bệnh viện, chúng tôi đã thành lập nhiều phòng chẩn trị Bảo Long Đường nhưng bị hạn chế và phải từ chối đối với những bệnh nhân bại liệt và các bệnh cần theo dõi, chăm sóc thường xuyên vì phòng chẩn trị không được phép lưu trú bệnh nhân. Trường Phổ thông Võ thuật Bảo Long vẫn duy trì huấn luyện đào tạo võ sinh năng khiếu. Nay học sinh cũ hầu hết đã trở về trường và có thêm nhiều học sinh mới.

PV: – Quan điểm giải quyết vụ việc thế nào nếu như bên Bảo Sơn có thiện chí đàm phán nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc?

Ông Nguyễn Hữu Khai: – Ngày xưa, trả lời câu hỏi “Có phép nào có thể cả đời thi hành không thay đổi?” của Tử Hạng, học trò của mình, Khổng Tử đáp: “Điều ta không muốn thì đừng đẩy cho người khác”. Câu nói này được coi là phép tu dưỡng cơ bản khi đối đãi người khác. Nếu làm được điều này, trong giao tiếp chúng ta sẽ tạo đường thoát cho bản thân và đối thủ. Hơn nữa, lượng thứ cho đối thủ chính là cách có được sự lượng thứ của đối thủ với mình, như vậy có thể tạo môi trường rộng lớn, trọng tín nghĩa, không chấp nhặt, không tư thù lẫn nhau. Càng kéo dài mâu thuẫn sẽ khiến cả hai phía càng mệt mỏi và thiệt hại, vì thế tôi cũng muốn sớm dứt điểm vụ việc. Nếu ông Sơn có thiện chí giải quyết dứt điểm vụ việc, trên tinh thần tôn trọng nhau và bảo đảm lợi ích của các phía, thì không có lí do gì tôi không hợp tác.

PV: – Trân trọng cảm ơn ông!

Nam Việt (Thực hiện)







Từ cuộc đời đến tiểu thuyết


Xem tin gốc:

http://www.nguoicaotuoi.org.vn/printContent.aspx?ID=8170

Theo Báo Người Cao Tuổi số ra ngày 3/8/2012


Nhắc đến lương y Nguyễn Hữu Khai, rất nhiều người biết đó là nguyên mẫu nhân vật Hải, Tổng Giám đốc của một tập đoàn nổi tiếng về y dược và võ thuật trong phim truyện "Đường đời" nhiều tập.

Nguyễn Hữu Khai đã chọn cho mình hướng đi và mục tiêu duy nhất là kế thừa, phát huy và bảo tồn nền y học cổ truyền dân tộc. Hơn nửa cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp y học, phần lớn thời gian của ông dành cho việc tìm tòi, nghiên cứu, thực nghiệm, khám chữa và sống cùng bệnh nhân. Trở thành một thầy thuốc đã khó, nhưng là một thầy thuốc nhân từ, chân chính còn khó hơn nhiều.

Với những kinh nghiệm quý báu tích lũy được từ những tháng ngày bôn ba tầm sư học đạo ở xứ người, từ những trải nghiệm sâu sắc trong nghề thầy thuốc, ông đã chữa khỏi bệnh cho hàng vạn người, trong đó không ít những mảnh đời bất hạnh, éo le được ông cưu mang giúp đỡ. Chị Đoàn Thị Thanh Huyền trước ngày sinh con bị xét nghiệm nhầm HIV, gia đình nhà chồng và người thân xa lánh, ruồng bỏ. Đối với một người phụ nữ còn gì đau đớn hơn khi bị chính những người thân yêu của mình xua đuổi, đứa con do mình vừa rứt ruột đẻ ra bị người ta cấm gần gũi, con đói mà mẹ không được cho bú. Đứa bé héo hon qua đời...! Đã có lúc chị muốn tìm đến cái chết để giải thoát cuộc đời, nhưng sự có mặt kịp thời của lương y Nguyễn Hữu Khai đã thức tỉnh lí trí và khơi dậy lòng tin với cuộc đời của chị. Ông đã đón về làm việc tại Tập đoàn Y dược Bảo Long, tạo điều kiện cho chị học tập nâng cao trình độ và có công việc ổn định.

Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Phương ở Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An bị u tủy, liệt tứ chi. Trong nỗi tuyệt vọng, cô vẫn níu theo tháng ngày bởi sự thương cảm, tận tình chăm sóc của người yêu suốt gần bốn năm trời. Nguyễn Hữu Khai như một giấc mơ gặp Bụt của Phương, ông đưa Phương về Bệnh viện Bảo Long chữa trị, không quên nhận luôn người yêu là Trương Văn Chín và em trai Phương về Tập đoàn Bảo Long làm việc. Từ một cô gái nặng năm chục cân, duyên dáng, khỏe mạnh, mà chỉ còn lại một thể xác khô gầy chưa đầy 27kg. Thế nhưng, nhờ thầy Khai, nhờ có một niềm tin mãnh liệt vào y thuật và sự kiên trì bền bỉ trong điều trị, sức khỏe của Phương dần khá lên, cô có thể tự làm những việc thông thường, không những vậy cô còn phục hồi chức năng làm mẹ.



Lương y, TS Nguyễn Hữu Khai cùng một số học trò và con cháu được ông nuôi dưỡng, chăm sóc.

Ngày 13-6-2008, Phương sinh con, cháu bé nặng 2,1 kg ra đời một cách dễ dàng không cần phải can thiệp bằng bất kì biện pháp kĩ thuật nào.

Vận động viên đô vật Lê Thị Huệ trong thời gian luyện tập chuẩn bị cho Seagame 23 bị gãy đốt sống cổ liệt tứ chi, Nguyễn Hữu Khai đã không tiếc công sức, tiền của, tận tụy ngày đêm để cuối cùng tìm ra được phương pháp phục hồi cho Huệ. Nay sức khỏe của cô đã ổn định và làm một nhân viên của Tập đoàn Y dược Bảo Long.

GS, TS Trần Thế Lục, sinh năm 1940, là giảng viên Khoa Chế tạo máy Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau khi được TS Nguyễn Hữu Khai cùng các thầy thuốc Bệnh viện Bảo Long cứu chữa thoát khỏi căn bệnh nan y đã vui mừng thay lời cảm tạ bằng một lá thư thân tình. "...Tôi bị cơn đau bệnh nan y, đã mấy năm qua điều trị tại nhiều bệnh viện. Đến ngày 5-9-2010, tôi lại phải cấp cứu ở Bệnh viện Hữu Nghị. Trong những ngày điều trị, tôi phải tiêm morphin gần một tuần (thứ thuốc chỉ dành cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối và bệnh nhân bị các cơn đau quặn nội tạng). Sau khi biết hướng điều trị tiếp là chuyển tôi tới Bệnh viện Việt Đức mổ chọc hạch để làm mất cảm giác ở mặt, tôi lên thẳng Bệnh viện Bảo Long mà không qua nhà. Tại đây, tôi được TS Nguyễn Hữu Khai chẩn trị và châm cứu kịp thời, cơn đau giảm hẳn. Tôi quyết định nhập viện Bảo Long. Sau một tuần vừa châm cứu, vừa uống thuốc Đông dược, bệnh tình tôi thuyên giảm rõ rệt cả về số lần và cả về cường độ đau. Cho đến ngày thứ 6, bệnh tình dứt hẳn, đến nay không có một cơn đau nào xảy ra".

Bệnh nhân Nguyễn Công Hoàng ở 2363 Đại lộ Hùng Vương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ bị tai nạn gãy đốt sống cổ, liệt tứ chi, tâm sự: "Tôi thấy Bệnh viện Bảo Long như mái ấm của mình, mái ấm luôn có một ngọn lửa để sẵn sàng sưởi ấm cho bất cứ tâm hồn yếu ớt, lạnh lẽo nào. Trong người tôi như có một luồng sinh khí mới, tôi tự thấy cuộc sống còn quá nhiều điều tốt đẹp đã và sẽ đến với tôi. Tôi quyết tâm tập luyện và uống thuốc. Thật bất ngờ, chỉ sau bốn tuần, sức khỏe của tôi đã tiến bộ rõ rệt, tôi đã có thể tự làm một số việc cá nhân và hơn cả là tôi đã tìm lại được chính mình trong suy nghĩ và cách sống...".

Lương y Nguyễn Hữu Khai là thế đấy! Ông có nhiều lắm những đứa con nuôi (nuôi dưỡng thực sự), họ xuất thân từ những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh không nơi nương tựa. Họ là những bệnh nhân không còn hi vọng sống mà nay họ vui vẻ, khỏe mạnh, hạnh phúc quây quần bên người cha thương yêu đáng kính của mình. Tại xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ hồi ấy nổi cộm bởi quá nhiều người qua đời vì mắc bệnh ung thư. Nguyễn Hữu Khai đã có mặt. Ông chăm lo chữa trị giúp đỡ bệnh nhân và tại đây ông đã đón nhận hai chị em cháu Đặng Thị Thơm và Đặng Kim Cương về làm con nuôi bởi bố mẹ các cháu bị ung thư đã qua đời, anh em nội ngoại chỉ còn bà bác thì đau ốm, già yếu. Đến nay, hai cháu đều trở thành thầy thuốc làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Bảo Long, ngày 28-9-2010 gia đình ông cùng Tập đoàn Bảo Long đã long trọng tổ chức lễ vu quy cho Đặng Thị Thơm.

Tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, có gia đình sinh được năm đứa con đều mắc bệnh lạ. Trên mặt các cháu mọc nhiều khối u to như nắm tay che hết cả mắt, mũi, miệng. Các cháu đều được mổ cắt bỏ khối u nhờ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên không tránh khỏi tật nguyền bất hạnh. Nguyễn Hữu Khai đã đón hai cháu là Lục Thị Mói và Lục Thị Linh về Bảo Long nuôi dưỡng, chữa bệnh và cho học văn hóa tại trường Phổ thông Võ thuật Bảo Long. Khi hỏi về những việc làm nhân từ, ông chỉ cười mà rằng: "Cứu người để trả nợ đời, mà mình thì nợ cuộc đời này nhiều quá!".

Nguyễn Hữu Khai trong cuộc đời - Hải trong phim "Đường đời" đã trở thành hình mẫu để bậc ông bà, cha mẹ khuyên dạy con cháu, là tiêu chí và ước mơ phấn đấu của nhiều bạn trẻ. Công chúng tôn vinh ông là một thầy thuốc tài ba, một nhà khoa học thực tiễn, một doanh nhân thành đạt, một võ sư gạo cội và hơn hết ông là một con người sống vì mọi người.

Thy Nga

Tình Quê - Một truyện thơ đặc sắc - Nhà văn Bùi Bình Thi


Xem tin gốc:

http://yduocbaolong.vn/vi/tin-tuc/bao-chi-noi-ve-chung-toi/a-10749/tinh-que---mot-truyen-tho-dac-sac---nha-van-bui-binh-thi.aspx

"TÌNH QUÊ" - MỘT TRUYỆN THƠ ĐẶC SẮC
Nhà Văn Bùi Bình Thi

Trong nhiều năm nay trên văn đàn vùng thơ thường chỉ có những tập thơ bài ngắn tựa như những bản ca khúc thôi thì đủ mọi kiểu thơ ở trong vô số những tập thơ gồm nhiều bài thơ ngắn mà tác giả tập hợp lại ấy. Rồi cũng có một số tập thơ trong đó là thể loại trường ca. Hay dở của thể loại này hoặc thể loại kia thì có thời gian để mà bàn, mặc dầu đã bước sang thế kỷ XXI. Tuy vậy, có một thể loại thơ thấy hiếm khi xuất hiện, đó là truyện thơ. Cũng như kịch thơ, tôi không rõ những ai mê kịch thơ. Nhưng thể loại này trước 1945 đã thấy có tuy không nhiều, cả trong kháng chiến chống Pháp cũng xuất hiện những đêm kịch thơ trong rừng Việt Bắc.
Trở lại truyện thơ bây giờ rất hi hữu, ấy vậy mà lại xuất hiện có tên là “Tình Quê”, truyện thơ của tác giả Nguyễn Hữu Khai do Nhà xuất bản Văn hóa  – Thông tin ấn hành.
Tác giả tặng tôi tập thơ này vào đầu năm nay, tôi cầm về và càng đọc thì càng trân trọng với những gì mà tác giả Tình Quê gửi gắm ở đây. Có lẽ, tôi có thuận lợi hơn nhiều bạn đọc là tác giả cùng quê với tôi; điều quan trọng hơn, nhà tác giả tôi đã về thăm, đứng bên này trên tầng gác thượng nhà Nguyễn Hữu Khai, nhìn qua sông Đáy sang đất Ứng Hòa là huyện nhà tôi.





Thầy thuốc ưu tú, Võ sư, Tiến sỹ, Nguyễn Hữu Khai


Quê của Khai xanh biếc cây và yên ả, êm đềm quá, nhà gạch san sát và đồng đất bãi chạy phẳng lỳ vào đến tận chân núi. Cây trái sum suê trong rất nhiều vườn nhà. Đứng trên cao nhìn xuống càng đẹp, mái ngói màu xanh nâu lấp ló trong tán cây màu xanh rì. Những nhánh đường lát gạch, hon đa chạy làm cho cảnh sắc thêm sinh động và đáng yêu.
Sở dĩ tôi nhắc đến quang cảnh làng quê Khai là vì, đọc truyện thơ của anh, tôi thấy mồn một. Nhất là cái âm hưởng của thơ lục bát làm cho không chỉ “Tình Quê” mà cả cảnh quê, người người trẻ già gái trai của quê mình đã hiện lên rất sống động trong truyện thơ này của anh.
Xin hãy đọc một đoạn về cảnh trí đẹp và gợi cảm xúc nồng nàn ở đây:
“... Đầm sen ngào ngạt tỏa hương
Khăn, đàn tha thướt dọc mương tới hồ
Ngút ngàn mườn mượt nương ngô
Nắng chiều gieo bạc xuống hồ lăn tăn
Khoan khoan trên chiếc thuyền nan
Hồng chèo Phổ hát, Phổ đàn Hồng nghe
Khúc đàn gợi nét xuân hè
Âm thanh dìu dịu, gió nhè nhẹ qua
Sóng đàn, sóng nước giao thoa
Tiết tấu nẩy lộc, nở hoa trên cành...”

Điều làm tôi ngạc nhiên khi đọc truyện thơ của Nguyễn Hữu Khai ấy là cảnh quê hương của anh vừa tả trên đây lại là cảnh hoàn toàn có thật, thật một trăm phần trăm ở quê anh. Vì vậy cái thật như đếm của cảnh sắc quê hương, của trai gái quê hương anh, được anh tràn vào thơ với một âm vận lục bát sành điệu, do đó làm cho thơ anh như một bức ảnh chụp hết sức sinh động và chứa chan cảm xúc.
Truyện trong thơ này lấy khoảng thời gian của trước khi giặc Mỹ leo thang gây chiến tranh ở miền Bắc nước ta. Hồng - một cô gái nết na, Phổ – một chàng trai tuấn tú ở cùng quê, cùng trường học thuở  ấu thơ. Nguyện vọng tha thiết của Phổ là cầm súng đánh Mỹ. Cái tài của tác giả là khi sáng tác ra truyện thơ này là thời gian cách trong truyện thơ khá xa, hơn 20 năm chứ không ít. Ấy vậy mà trong truyện thơ đã tái hiện được nguyên si cảnh trạng. Tình huống không ít và nhất là nhịp điệu sống, nhịp điệu sinh hoạt, làm lụng, cấy hái của thời bấy giờ.

“... Chiến trường thi với ruộng đồng
Bà con náo nức cấy trồng vụ xuân
Cờ bay phấp phới xa gần
Tiếng trống thúc giục bước chân mọi người
Khu này rộn tiếng nói cười
Ấy hội thi cấy người người ra tay
Xem ai thắng cuộc hôm nay
Cấy nhanh, cấy khéo, cấy ngay thẳng hàng...”

Hay là một pha ghi nhanh bằng thơ khá sống động và tứ thơ lung linh, làm cho người đọc nhớ lại những kỷ niệm êm đềm của ngày ấy:
“... Phi lao song lối đường mòn
Hắt hiu ánh nắng đã tròn bóng cây
Nhịp cầu nho nhỏ mới xây
Nước mương cuộn chảy tới đây giật lùi
Vo vo nước xoáy sập sùi
Xốn xang Hồng trộn lo, vui trong lòng
Hội thi tay cấy vừa xong
Chị là kiện tướng một trong ba người
Sen cong cuống búp ngậm cười
Phượng non khép kín sắc tươi la đà...”

Điều đáng nói nhất ở đoạn trên đây còn là cách khai thác tâm trạng đau đáu của Hồng nhớ thương và mong mỏi tin người yêu trong lòng chị. Ngoài ra còn biểu hiện một điềm gở và linh cảm không lành đến với chị. (Sau đó là chị nhận giấy báo tử của chồng chưa cưới).
Lấy cảnh để nói tình, lấy cảnh để tả tâm trạng, kể cũng có nhiều nhà thơ đã làm. Nhưng điều đáng nói ở đoạn truyện thơ trên là cảnh sắc rất rành rẽ hết sức thật, thật tới mức đọc bằng chữ, mà có cảm giác như xem ảnh, một bức tranh đọc mà thi sĩ Nguyễn Hữu Khai vừa chụp ấy thì quả thật là hiếm thấy, và cũng vì thế mà nó thực sự đặc sắc.
Toàn bộ truyện thơ dài 1472 câu thơ phong gói một chuyện tình của đôi trai gái, cô gái tên là Hồng. Anh con trai tên là Phổ, rồi một vài người nữa là mẹ Phổ, Trình bạn thân của hai người, một vài bà con làng xóm. Nhân vật đâu có nhiều vậy mà cái tình, cái tâm trạng của các nhân vật ấy nhất là nhân vật chính Hồng - Phổ – Trình ... lại đa dạng và sinh động đến thế.
Một câu chuyện tình cảm động Phổ và Hồng yêu nhau, trầu cau chạm ngõ, thề non hẹn biển khi Phổ ra trận. Hồng ở lại quê nhà xây dựng HTX. Thế rồi, năm chờ tháng đợi mà vẫn bặt tin Phổ. Rồi tin báo tử của Phổ về làng, nhận được tin người yêu hy sinh ngoài mặt trận Hồng đau đớn vô hạn. Người ta thường nói đến những khúc ngoặt này của tình cảm, thường là người ta chỉ hạ một câu:...”Bút nào tả xiết”. Nhưng với Nguyễn Hữu Khai anh đã tả xiết được, lại tả xiết bằng thơ nữa kia.
Xin độc giả đọc đoạn thơ sau, lời trong tâm tưởng của Hồng:

“... Thoắt nghe Hồng cắn chặt môi
Khụy chân, chững bước bồi hồi ruột gan
Sập cầu cành gẫy bình tan
Đất trời nghiêng ngả lệ dàn dụa rơi
Anh ơi muôn dặm xa vời 
Em chờ anh nỡ dứt lời hỡi anh
Duyên ta chưa tới ngày lành
Mà sao hoa lá đã thành gió sương
Hỡi ơi! Sóng bể dặm trường
Xương tan thịt nát vãi vương nơi nào 
Hỡi trời lồng lộng xanh cao!
Duyên tình con trẻ nỡ nào cắt đi
Không thương đem đến làm chi
Mà thương còn nỡ chia ly sao đành?
Hỡi trời! Hỡi biển! Hỡi anh!
Thôi thôi duyên đã tan tành từ đây...!”
Xin hãy chú ý bốn câu cuối:
“...Không thương đem đến làm chi
Mà thương còn nỡ chia ly sao đành...?”

Phải nói rằng bằng thơ mà tả được đến vậy là rất hay. Nó hay ra sao? Nó hay ở chỗ đầy chất nữ tính đến cái nỗi đọc đến đây tôi phải reo lên: “Nguyễn Hữu Khai hiểu tâm trạng con gái quá”. Hiểu thấu đến thế nên là thơ mộc mạc chất phác mà lại gói trọn trong một trạng thái khôn xiết đau đớn của một cô gái có người yêu, chồng chưa cưới vừa nghe tin hy sinh ngoài mặt trận. Thế rồi từ tâm trạng của người con gái, đến tâm trạng của người mẹ cô gái, trong cùng cảnh mất mát đã được tác giả chuyển đoạn rất khéo. Một núi đau thương của hai con người một già một trẻ cộng lại dài thông quá ba chục câu thơ, ấy vậy mà thật đầy đủ và bộc lộ được tính cách khá rõ của hai mẹ con. Truyện thơ khi miêu tả nhân vật rất có điều kiện để tả tâm tình, vì văn vần nhất là văn vần lục bát thì càng thuận lợi cho việc nói đến tâm trạng. Chỉ có điều nói thế nào, và cách nào. Ở đây, Nguyễn Hữu Khai đã chọn cách tả của tiểu thuyết, nghĩa là tả thẳng vào mỗi nhân vật, rồi từ đó nghĩ đến người thứ ba ra sao? Ở đây tác giả quả thật đã thành công lắm. Xin hãy nghe tâm trạng đau đớn, thương cô gái của một bà mẹ:

“... Nhìn trẻ nhức nhối lòng già
Dìu con từng bước vào nhà giải khuyên
Con ơi! Bớt nỗi buồn phiền
Cảnh chung cả nước phải riêng đâu mình
Đã là trọn nghĩa trọn tình
Người tuy khuất bóng nghĩa mình còn đây
Giữ hoa khỏi phụ hồn cây
Trên nhà hai cụ cũng đầy đau thương
Nén lòng giữ nét bình thường
Con lên trên ấy liệu đường nói năng
Nới chùng trong lúc dây căng
Lựa lời an ủi san bằng sầu đau
Chung tình trọn hiếu trước sau
Quên mình đi, để vì nhau mới là...”

Trong 14 câu trên đây, số câu hay chiếm già nửa trong đó có những câu thơ rất hay, nghĩa là tiêu chuẩn hay là phải lấy chuẩn mực của nhà thơ chuyên nghiệp. Vậy mà Nguyễn Hữu Khai, tôi dám chắc đây là tập truyện thơ đầu tay của anh.
Còn những câu rất hay ư? Như câu sau đây:

“... Giữ hoa khỏi phụ hồn cây......”
“...... Quên mình đi, để vì nhau mới là...”

Những câu thơ hay thì tác giả nào cũng có. Còn câu thơ hay mộc mạc chân quê thì như thơ của Nguyễn Hữu Khai này cũng đáng là thơ lắm. Và không phải là nhà thơ nào cũng có đâu.
Và cô gái trong cảnh đau thương đó: Hồng ra sao đây? Vì bên cô còn mẹ của Phổ, cô đau một thì mẹ đau mười. Cô phải khuyên giải mẹ của Phổ như thế nào bây giờ?
Nguyễn Hữu Khai tả thật hay: Hồng đã đến đứng dưới hiên nhà Phổ và chìm đắm trong cảnh đau thương của gia đình bố mẹ, anh em của người yêu. Vậy mà tác giả chỉ cần một câu thơ thôi mà nói được hết cả:


“... Hồng vẫn đứng lặng một bên
Mái nhà chao đảo đè lên đỉnh đầu...”

Lấy toàn bộ cái mái nhà là nơi đang chất chứa bao thương đau, cao như núi và mái nhà đó đè xuống đầu Hồng thật không gì đầy đủ hơn khi nói về những nỗi đau thương vô hạn nặng nề đó.
Thế thì sau câu trên sẽ còn những gì nữa? Còn chứ, và cũng hay không kém. Ta hãy đọc tiếp để xem tâm trạng Hồng có những gì nữa:

“... Mẹ Phổ lại ngất hồi lâu
Hồng nâng mẹ dậy lấy dầu cao xoa
Nén tâm tràn mắt lòa nhòa
Liễu lòng oằn nhức, muối chà, thiết dây
Ôm mẹ biết nói gì đây
Nước mắt luồn cổ nghẹn đầy đau thương...”

Người ta vẫn thường nói, khi nỗi đau được kìm nén thì “nước mắt nuốt vào trong”. Ở đây tác giả cũng ý ấy nhưng lại có hình ảnh hơn!


“Nước mắt luồn cổ nghẹn đầy đau thương...”

Cách sáng tạo đã rất có chất lượng, chẳng những thế hồn thơ lại thật là bình dị.
Cô gái thôn quê nết na đó, nén chịu đau thương, mất mát đó bằng cách đem nghị lực và chí bền vào hành động cụ thể Hồng đã tìm ra được một lẽ sống tích cực, bởi cô hiểu rằng, tuy bây giờ người yêu cô không còn, nhưng không phải vì vậy mà cô chìm đắm mãi trong mất mát lớn đó. Mà cô phải quyết thắng cái nỗi buồn đang dìm cô xuống, mà vượt lên cùng thanh niên trong làng và bà con xây dựng ngày một to đẹp đàng hoàng hơn. Bởi vì, nó cũng chính là ước mơ của người yêu cô. Vậy là, đáp ứng được nguyện vọng của người đã khuất.
Một thời gian sau, nỗi buồn nguôi bớt, có một chàng trai có tình cảm với Hồng nhưng Hồng đã gạt đi Hồng chưa thể dành trọn trái tim cho ai được. Nhưng rồi thời gian lại trôi nhanh, Trình một người bạn của Phổ và của Hồng bị thương từ chiến trận với hoàn cảnh thương tâm mất một mắt, một tay mà khi tỏ tình với Hồng, Hồng ưng thuận. Ngày cưới đã được ấn định thì Phổ về làng, anh bị báo tử nhầm. Phổ chỉ bị bắt làm tù binh, bị giặc tra tấn. Sau này có đợt trao trả của hai bên ta và địch, Phổ được về làng. Về làng, Phổ biết tin Hồng sắp cưới, mà chồng chưa cưới của Hồng chẳng phải ai xa lạ lại là bạn anh - một thương binh.
Nỗi lòng của Phổ thật là ngổn ngang, nhưng với bản lĩnh và sự thấu đáo của người lính, Phổ đã vượt lên. Ta hãy lắng nghe thổ lộ của tâm can Phổ khi đến bên Hồng và nỗi lòng của hai người:

“... Xót xa dứt ruột khôn cùng
Tủi thương chăn gối lạnh lùng gió đông
Thăm mẹ rồi đến bên Hồng
Tĩnh tâm trò chuyện như không biết gì
Nhẹ như bấc, nặng như chì
Người thì thanh thản, người thì vấn vương
Lánh nhìn lòng lại càng thương
Càng thương! Càng thấy khó đường nói ra...”

Thế rồi Trình, chồng sắp cưới của Hồng, anh đã hiểu ra. Và đến đây cả ba đang trong mối tơ vò. Trình đã biết vượt lên. Anh có một tâm hồn cao cả đến kỳ lạ. Anh lý giải với Phổ, Hồng và đề nghị hai người trở về với tình đầu của họ. Đến đây thơ của Nguyễn Hữu Khai ngân nga như một hồi chuông dồn lên đổ hồi:

“... Đã là trọn nghĩa trước sau
Duyên vàng nhường lại cho nhau mới là
Cũng nên nghĩ đến người ta
Thủy chung đã trọn dứt ra sao đành
Nát lòng khi thấy gẫy cành
Mà tình vàng ấy vẫn dành cho ai?
Thương yêu bố mẹ hôm mai
Chăm sóc sớm tối hơn hai năm trời
Phớt lờ ong bướm ở đời
Tấm lòng vàng ngọc khắc lời hiếu chung...”

Lại nói về Phổ về sự kiện người yêu của Phổ ngày xưa và lại là vợ sắp cưới bây giờ mà giọng chí thiết chí tình như thế thì có thể nói Trình, lòng anh tâm hồn anh cao cả biết nhường nào!.
Phải rồi, Trình cũng như Phổ, tận trung, tận hiếu với nước non, đến nỗi tấm thân quý giá đâu có tiếc, xông vào cuộc chiến đấu để cùng đồng đội giành lấy chiến công. Những con người đẹp đẽ như vậy họ hẳn phải  có một tâm hồn đẹp. Và xin hãy đọc tiếp lời Trình:

“... Lánh người tài đức khôn cùng
Với tôi tàn tật lại chung duyên tình
Ơn người thương mến đến mình
Nay lòng xin nguyện trắng tinh bạn đời...”

Chao ôi! Một tâm hồn cao thượng là vậy mà lại nói giản dị là vậy. Tình bạn và tình yêu hòa trộn, để rồi nguyện với lòng mình để tình bạn lên trên, bởi đó là tình của những người cùng chiến hào mà.
Xin cứ hãy đọc tiếp lời Trình:


“... Mong rằng Phổ hãy nhận lời
Để cho trọn vẹn tình đời chúng ta
Như thế thì mới gọi là
Tình sâu nghĩa nặng đậm đà cả hai
Gian nan từng trải đường dài
Gan vàng dạ sắt sao phai duyên màu...?”

Người ta nói, đã là núi phải có đỉnh, đã là một tâm hồn thanh cao thì trên đỉnh của thanh cao đó là hồi chuông của lời cao cả, lời nghĩa tình. Phải rồi đã là mối quan hệ của tình bạn và tình yêu với đúng cái nghĩa chân xác và chính trực thì nó giản dị là vậy.
Chúng ta đọc tiếp lời Phổ:


“... Đang tươi đổi sắc thành sầu
Phổ nghèn nghẹn giọng lựa câu đáp lời:
“... Trình ơi! Lòng dạ biển trời
Chất đầy thuyền nghĩa chở lời ơn anh...”

Chúng ta thấy xúc cảm của Phổ cũng thật là chân thành và xúc cảm ở đây Nguyễn Hữu Khai đã biết dừng bút một cách chính xác rằng chỉ có thể nói được đến thế mới là Phổ và hay nhất là câu:

“... Đang tươi đổi sắc thành sầu...”

Ta hãy chú ý đến cách miêu tả chân dung Phổ của tác giả. Ở đây tác giả thật am hiểu tâm lý của những con người chân chính. Trước cái lớn lao của bạn, Phổ ngập như bơi giữa biển sâu mênh mông, đã trong cảnh huống ấy thì dầu can đảm đến đâu cũng ngợp và đã ngợp thì sao có thể “Đang tươi...” mãi được. Và sự biến sắc mặt ấy cũng chính là sự biểu hiện của môt con người có tâm hồn cao thượng, biết chừng mực. Đó là trong sâu xa Phổ không thể không chấp nhận mối quan hệ của Trình và Hồng, vì anh đã “hy sinh” rồi kia mà. Bây giờ anh trở về khi biết Hồng đã có nơi chốn mà nơi chốn lại chính là bạn anh, Phổ đã phần lớn tự lấy lại trong tâm hồn mình sự bình yên và cũng sẽ mừng cho đôi lứa đó rồi. Bởi nên sự thay đổi của Trình với Hồng và Phổ, với Phổ nó quá lớn lao, quá cao và quá đẹp.
Ta hãy để ý đến tâm trạng Hồng:


“... Rằng: Bên Trình một năm thừa
Tháng ngày sóng gió nắng mưa có Trình
Thương người quá nỗi thương mình
Rút tơ, luộc nhộng nấu tình xót xa...”

Quê hương Hà Tây có nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa.
Sự đau xót, dằn vặt đấu tranh tư tưởng của Hồng đã được tác giả khắc họa bằng hình ảnh ”ươm tơ kéo kén”: (Muốn lấy tơ từ kén tằm người ta phải cho kén vào nước sôi, mà trong kén có con nhộng. Nhộng phải chìm nổi trong nước sôi lửa bỏng). Đây là lúc Hồng nghĩ tới sự nối lại tơ duyên cùng Phổ thì khác nào sợi dây tơ tình ấy được rút ra từ kén và sự đau đớn khổ sở của Trình khác nào như con nhộng bị luộc trong nước sôi. Và như thế thì lòng dạ nào Hồng có thể cam chịu vì vậy nên:

“... Lòng nào thêu gấm dệt hoa
Muốn phơi nắng gió phôi pha một đời!...”

Chị đã định giãi tình đời phơi trong nắng gió, chả thà chấp nhận mất tất cả... và thế rồi chị đã chết ngất trước hai bạn đời.

“Tâm can vò xé tơi bời
Mắt mờ giọng nghẹn, hồn rời khỏi hoa
Thương ơi! Lặng ngất giữa nhà
Ôm chân, ôm cổ xót xa hai lòng...”

Đau xót dâng trào trong lòng Trình và Phổ nhưng họ chỉ dám lao vào “... Người ôm chân, kẻ ôm cổ” đúng là nghĩa cử của những chàng thanh niên thời ấy.
Và dưới đây nữa. Nếu trong tập truyện thơ này có đoạn nào hay nhất được lấy ra trong vô số đoạn hay thì đoạn dưới đây tôi cho là hay đến ngất lòng người đọc:


“...Tỉnh ra, lệ nóng tuôn dòng
Thề xưa, xối xả những mong giữ lời
Ân tình đành trải đôi nơi
Tình đầu nối lại một đời một dây
Bình vơi sẻ nước ắp đầy
Cơm sôi giảm lửa căng dây nới chùng
Các anh đã một ý chung
Tim em một nhịp hòa cùng các anh
Hoa xưa lại được nhập cành
Ơn người rộng lượng ghép lành gương tan...”

Trong tiểu thuyết và cả trong truyện thơ, tâm trạng con gái, phụ nữ bao giờ cũng rất khó miêu tả đối với người viết. Vậy mà ở đây tác giả đã không những tả đúng trạng huống của Hồng, một cô gái đang đứng trước ngã ba đường tình. Cả hai đều đã có tình yêu và đã có tình thương. Thật là rắc rối tơ lòng mà còn tả rất đúng tâm lý của một cô gái quê thuần hậu. Khôn ngoan, biết tiến thoái đúng mức và luôn biết xử lý một cách hợp lý và chẳng hề chìm đắm trong bi thương khốc liệt.
Con người cao cả thì cả lý và tình đều rạng rỡ. Những con người đẹp, cao thượng khôn khéo và dũng cảm như vậy nay trong tình yêu thì làm sao mà lại không thể đánh thắng kẻ thù lớn là đế quốc Mỹ cho được.
Trong chủ đề là tình yêu và cách cư xử với tình yêu, Nguyễn Hữu Khai đã làm một quy chiếu với phổ quát rộng lớn đó là: Đất nước mình ngày ấy đã sản sinh những thế hệ con trai, con gái tuyệt vời biết bao.
Nguyễn Hữu Khai quả là đã thành công trong tập truyện thơ này. Điều quan trọng hơn nữa là khi đang đọc tập truyện thơ này của Khai ta lại thấy như thấp thoáng giữa những dòng thơ của Khai hiện lên những tập thơ khác nữa. Chúng ta mong được đón đọc tiếp những tập thơ mới của anh.

Hà Nội, 10-1999






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét