Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Bài số 19: Tập đoàn Bảo Sơn rút đơn kiện Bảo Long

Tập đoàn Bảo Sơn rút đơn kiện Bảo Long

Xem tin gốc:

http://vtc.vn/7-330082/phap-luat/tap-doan-bao-son-rut-don-kien-bao-long.htm


Nhân viên Bảo Sơn từng kéo đến đến trụ sở Bảo Long để đòi sửa nhà và xảy ra xô xát



(VTC News) - Tập đoàn Bảo Sơn vừa quyết định rút đơn kiện ông Nguyễn Hữu Khai và Tập đoàn Y dược Bảo Long. Theo đó, lý do rút đơn kiện được đưa ra là 'để có thời gian củng cố thêm tài liệu, chứng cứ phục vụ giải quyết vụ án và có thêm thời gian thỏa thuận với bị đơn'.


Việc tranh chấp thành viên công ty giữa hai tập đoàn Tập đoàn Y dược Bảo Long (dược Bảo Long) và Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn (Bảo Sơn) được bắt nguồn từ đơn khởi kiện của ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Bảo Sơn đối với ông Nguyễn Hữu Khai - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ dược Bảo Long.



Đơn kiện được gửi ra Tòa án nhân dân TP. Hà Nội vào ngày 16/11/2011 đã nổ ra cuộc chiến 'thương mại' giữa 2 tập đoàn với nhiều thông tin trái chiều.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 183/2011/TLST-KDTM ngày 01/12/2011 về việc tranh chấp thành viên công ty, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã ra Quyết định số 30/2012/QĐST_KDTM ký ngày 6/4/2012: 'Đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại' giữa 2 tập đoàn.

Theo TAND TP. Hà Nội, quyết định đình chỉ này dựa trên cơ sở ngày 5/4/2012, nguyên đơn - ông Nguyễn Trường Sơn có đơn rút đơn khởi kiện (theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011).

Trước đó, ngày 21/10/2011, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Sơn đã gửi đơn khởi kiện Tập đoàn Bảo Long, do TS Nguyễn Hữu Khai làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, ra TAND thành phố Hà Nội. Các cơ quan đã tổ chức hòa giải nhiều lần không thành, công an cũng đã vào cuộc song vụ việc vẫn nhiều khúc mắc, khó giải quyết dứt điểm.  

Sau ba ngày nhận đơn của ông Nguyễn Trường Sơn, ngày 6/4/2012, Thẩm phán Nguyễn Tiến Mạnh đã kí Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Trường Sơn và bị đơn là ông Nguyễn Hữu Khai.

Như vậy là, sau hơn một năm kể từ ngày đầu bàn bạc và thống nhất việc hợp tác giữa Bảo Long và Bảo Sơn, rồi sau đó việc hợp tác bị biến thái dần chuyển sang tranh chấp tài sản, thương hiệu giữa Bảo Sơn với Bảo Long có vẻ như đi vào hồi kết nếu như cả hai cùng thiện chí đàm phán, thống nhất. Các hoạt động của Tập đoàn Bảo Long đã trở lại bình thường, trường học và bệnh viện đã mở cửa trở lại.

P.V (tổng hợp)




Một tổng giám đốc văn võ song toàn


Xem tin gốc:

http://yduocbaolong.vn/vi/tin-tuc/bao-chi-noi-ve-chung-toi/a-10764/mot-tong-giam-doc-van-vo-song-toan.aspx


MỘT TỔNG GIÁM ĐỐC VĂN, VÕ SONG TOÀN
Trường Xuân
(Doanh nhân xưa và nay, NXB Thanh niên 2004)

Lương y, TS Nguyễn Hữu Khai
Tổng giám đốc Tập đoàn y dược Bảo Long


 Nhiều người trong nước khi biết tới Lương Y, Tiến sĩ y khoa Nguyễn Hữu Khai đều tỏ lòng kính trọng và mến mộ ý chí và nghị lực của anh. Mặc dù xuất thân trong một gia đình nông thôn nghèo xứ Bắc nhưng giờ đây anh không chỉ là một Tổng giám đốc Công ty Đông Nam dược Bảo Long, một Công ty đứng đầu cả nước về lĩnh vực Đông dược, mà lại là một nhà thơ, một võ sư nổi tiếng với nhiều môn đệ ở trong và ngoài nước…


Sinh ngày 10/10/1952, Nguyễn Hữu Khai lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo khó ở thôn Kinh Đào, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây. Tuổi thơ của anh đã trải qua nhiều thiếu thốn như những đứa trẻ chăn trâu khác trong làng với những củ khoai, củ sắn thay cơm hàng  ngày. Năm 1971, theo tiếng gọi của Tổ quốc,  Khai lên đường đi bộ đội, sau đó được chuyển  ngành đi học Đại học Kiến trúc. Thế nhưng cuộc đời của Nguyễn  Hữu Khai lại chuyển sang một bước ngoặt éo le…

“ … Cứ tưởng nghề Kiến trúc đã toại nguyện cho cháu và là niềm vinh dự cho cả gia tộc, nhưng thằng Khai nó không nghĩ như thế”. Bà Nguyễn Thị Lảng 84 tuổi – Mẹ của Khai nhớ lại: Khi thấy bà nội bị đau bụng kinh niên, chữa chạy mãi không khỏi, đứa em gái lại bị mắt kéo màng mù loà, rồi bà con, anh em họ hàng ốm đau bệnh tật nhiều, hao tán hết gia tài mà không khỏi… cháu Khai lẳng lặng bỏ nhà, vượt biên sang Trung Quốc quyết tâm tìm thầy thuốc giỏi để học nghề. Rồi chiến tranh biên giới xảy ra, cháu mất tích mấy năm liền và có tin đồn là cháu đã qua đời ở xứ người. Sau hai lần làm lễ giỗ thì tháng 8 năm 1982 đột nhiên thấy cháu trở về với thân hình tiều tụy. Dù vậy, vợ chồng tôi và cả gia tộc vẫn vui mừng như đón đứa con được sống lại. Nó kể ở bên Trung Quốc, nó học làm thuốc và học võ với Hòa Thượng trên núi. Rồi nó thể hiện bằng cách vào rừng cặm cụi hái thuốc về chữa bệnh cho mọi người trong làng.

Lúc này bà nội cháu đã qua đời, đứa em gái mù lòa được cháu chữa cho đỡ hẳn, đã phân biệt được sáng, tối và phân biệt được con trâu với con bò. Nhiều người trong  làng cũng được cháu chữa bệnh bằng thuốc nam, vừa đỡ tốn kém, vừa có hiệu quả. Tiếng lành đồn xa khắp vùng lân cận, kể cả bà con ở Hà Nội cũng tìm đến cháu để chữa bệnh. Nhiều người bị liệt, bị cổ trướng cũng được cháu chữa cho khỏi, bệnh nhân tìm đến ngày càng nhiều hơn.…

Chẳng bao lâu Nguyễn Hữu Khai đã nổi tiếng là một “thầy lang” giỏi trên lãnh địa “cửa ngõ Thủ Đô” với tiếng đồn ngày càng lan rộng, nhưng chuyện đời không dễ dàng công nhận với những thành công. Trong điều kiện không có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn, lại là đối tượng “không bình thường” nên “người ta” đình chỉ việc hành nghề của  anh, khiến Nguyễn Hữu Khai đứt gánh giữa đường rơi vào cảnh vô cùng khó khăn, có lúc đã tưởng suy sụp, không gượng dậy được. Để giữ lòng tin và uy tín của mình anh đã bán hết đồ đạc trong nhà để trả nợ. Ông chú họ thương tình cho mượn chiếc xe ngựa giúp anh sớm tối vào rừng chở đá về bán kiếm ăn qua ngày. Trong tình thế bị dồn tới bờ vực thẳm, những cánh “giang hồ” tìm tới anh trọng vọng mời theo họ đi “kiếm ăn” trên các bãi vàng, nhưng bước ngoặt  của cuộc đời không uốn cong được chí hướng của anh.

Không chịu đầu hàng số phận, Nguyễn Hữu Khai vẫn âm thầm nghiên cứu Y lý từ những cuốn sách cổ và kinh nghiệm chẩn trị bệnh của các bậc thầy. Tháng 8 năm 1984, anh quyết định ra đi lập nghiệp xa nhà, cố gắng tìm cơ hội làm lại từ đầu. Tạ  từ  bố mẹ, Nguyễn Hữu Khai bám theo đoàn kinh tế mới, rồi cùng người đồng hương về tá túc và hành nghề tại trạm Y tế Công ty Cao su Dầu Tiếng Sông Bé. Cũng thời gian ấy, em gái của anh theo chồng vào Sài Gòn kiếm sống bằng nghề bán vải thuê ở chợ Bến Thành, chẳng may bị bệnh nặng tưởng chừng không qua khỏi. Biết tin,  anh lên thăm và hốt thuốc chữa bệnh cho em. Khi cô khỏi bệnh, lại khỏe đẹp ra, tới chợ ai cũng ngạc nhiên, hỏi thăm nơi chữa bệnh. Khi biết người chữa bệnh lại  chính là anh trai cô thì nhiều anh chị em trong chợ đã tới nhờ anh chẩn trị, chữa bệnh để tăng cường sức khỏe. Tiếng đồn về anh từ chợ Bến Thành lan tỏa dần trong Sài Gòn và chính người chủ tiệm thuốc bắc ở 31 đường Tháng Mười Chợ Lớn (nơi anh thường tới hốt thuốc chữa cho bệnh nhân) đã để mắt tới và mời anh hợp tác. Con đường y nghiệp của Nguyễn Hữu Khai lại được mở ra với nhiều hy vọng. Tính thông minh, trung thực của chàng trai xứ Bắc ấy nhanh chóng chiếm được cảm tình của gia đình tiệm thuốc bắc và ông bà đã vui vẻ nhận anh làm con nuôi trong gia đình, đồng thời tạo điều kiện cho anh sinh sống và phát triển  tài năng.
Tháng 8/1987, vận may lại đến với anh, khi Bác sĩ Nguyễn Hữu  Chỉnh - Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ Quận 5 – TP Hồ Chí Minh mời anh về hợp tác, mở phòng Chẩn trị Y học dân tộc tại cơ sở Quận Hội. Qua một thời gian hành nghề có hiệu quả, Nguyễn Hữu Khai đã được nhiều cơ sở Y tế khác trong thành phố biết đến, kể cả Bệnh viện Y học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù biết anh không có bằng cấp chuyên môn, nhưng các nhà quản lý chuyên môn và các thầy thuốc đã biết đến khả năng đặc biệt của Nguyễn Hữu Khai và chấp nhận trọng dụng anh. Ngoài việc xem mạch, kê đơn, châm cứu anh còn được bệnh viện  Y học dân tộc và trường Trung cấp Y học dân tộc Tuệ Tĩnh mời anh tham gia giảng dậy về mạch lý. Theo lời khuyên của Giáo sư Bùi Chí Hiếu (Hiệu trưởng trường Trung cấp Y học Tuệ Tĩnh), anh đã tranh thủ vừa dậy vừa học tại trường những môn gì chưa biết để thi lấy bằng chính thức. Đồng thời anh còn dành thời gian theo học tại chức về khoa Quản trị Kinh doanh, cố gắng mở thêm kiến thức của mình với những ấp ủ mở cơ sở sản xuất thuốc Đông dược để tạo công ăn việc làm cho những học trò hiện chưa có phòng chẩn trị mà hàng ngày theo anh phụ việc.

Quyết là làm, chẳng bao lâu một cơ sở sản xuất thuốc Đông dược mới do Nguyễn Hữu Khai làm chủ đã được hình thành ở TP Hồ Chí Minh và cơ sở này đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần trọng yếu. Đồng thời bằng nghệ thuật Makesting như biểu diễn tài nghệ quyền thuật nội công, thu hút khách hàng với hàng chục điểm biểu diễn: “Sơn Đông mãi võ” tại các bến xe, bến tàu để giới thiệu sản của mình. Ngoài ra Nguyễn Hữu Khai còn tổ chức giảng dậy về y lý và mở lớp dạy võ để tăng cường nhân sự bán hàng rồi chia quân thành nhiều nhóm trực tiếp đem sản phẩm đến các cơ quan, xí nghiệp và các hội nghị để giới thiệu cho những người tiêu dùng biết đến những sản phẩm chữa bệnh của  mình, thu hút các khách hàng tìm tới cơ sở của anh để mua thuốc chữa bệnh. Và từ đấy cơ sở của anh thêm nhiều mối bán hàng tại các đại lý thuốc.

Song trong sự nghiệt ngã của cơ chế thị trường với những thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ dày dặn kinh nghiệm thương trường, cơ  sở non trẻ của Nguyễn Hữu Khai đã bị “chết đi sống lại” mấy lần. Năm 1988, bị thua lỗ như gần trắng tay, còn mang nợ, khách hàng của anh cũng nhiều người bị sập tiệm, vốn hết, hàng ế, mà tài sản  lỏng chỏng chẳng còn gì bán ra tiền. Trong những khoảnh khắc đón giao thừa, những người học trò nghèo của anh vẫn không quên Thầy. Họ tìm đến anh trong sự hoang tàn đổ nát, họ ôm nhau thút thít khóc. Họ khóc không phải vì đói, vì khổ, không vì thiếu thốn, thất vọng mà vì thương thầy với tấm thân khô gầy, tháng ngày lận đận gian truân mà vẫn không có tết. Đói khát khổ cực, mất mát tiền của không làm cho anh nản lòng. Một điều khác lạ thấy trong con người này  là sợ hãi, lo âu, buồn chán không thấy biểu hiện trên nét mặt. Cả khi vui lẫn buồn cũng chỉ người thật thân mới hiểu. Anh  vẫn thường động viên và lấy lại nghị lực của người học trò: “Mất tiền, mất của là chưa mất gì. Mất lòng tin là mất một nửa. Mất ý chí là mất tất cả”.

“Chúng ta thất bại là bởi kinh nghiệm vẫn còn non nớt. Chúng ta đang  có niềm tin trong khách hàng. Nếu giữ vững ý chí, chúng ta sẽ có tất cả”. Rồi vì nể thầy, vì thương thầy và vì trách nhiệm, họ lại chụm đầu vào nhau gánh vác vượt qua những giông tố mà tưởng chừng sức người không thể qua nổi. Những lúc nhàn rỗi ngồi “ôn cố tri tân” chính họ  cũng bất ngờ ở nghị lực vượt khó của mình.
Cơ sở sản xuất mới được thành lập hai năm mà phải chuyển địa điểm hơn chục lần với đủ thứ chuyện long đong. Nhưng rồi thầy trò Nguyễn Hữu Khai lại may mắn gặp được Trung tá Công an Hà Quốc Khánh. Thế là ngày 1/6/1990 Xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long ra đời với sự quản lý trực tiếp của Công an Thành phố. Nhưng khó khăn không dừng lại ở đó. Năm 1993 Nhà nước quy định các lực lượng vũ trang không được làm kinh tế, vì vậy Xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long phải chuyển thành Công Ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long, tự lập. Trong cơ chế thị trường mở, với kinh nghiệm chẩn trị bệnh chính xác và kiến thức sâu về các loại  thuốc Đông dược của mình, Nguyễn Hữu Khai cùng các cộng sự phát triển được hơn 30 sản phẩm công hiệu nổi tiếng như: Mộc Long, Kim Long, Tiềm Long. Trị  từ các loại bệnh như: Viêm mũi, viêm xoang, viêm đại tràng mãn tính… được đông đảo khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm ưa dùng. Thuốc của Công ty Đông Nam dược Bảo Long đã được xuất khẩu sang Nga, Pháp và các nước Đông Nam Á, trong đó riêng tại thị trường  Nga có 17 sản phẩm của Công ty được phép lưu hành trên toàn lãnh thổ nước Nga. Doanh số của Công ty vì vậy cũng tăng lên không ngừng theo năm tháng. Mạng lưới sản phẩm ngày càng được mở rộng với CBCNV lên tới trên 500 người, có thu nhập ổn định. Riêng Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Khai đã vinh dự được tặng chân dung Bạch Thái Bưởi (biểu tượng của doanh nhân thành đạt từ hai bàn tay trắng) và được tặng huy chương: Vì sự nghiệp sức khỏe nhân dân, huy chương vì sự nghiệp  chữ thập đỏ, huy chương vì sự nghiệp công đoàn, đồng thời đoạt giải nhì Hội thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật năm 1999 của Thành phố Hồ Chí Minh và nhận giấy khen lao động sáng tạo  của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bằng khen của Bộ Y tế, bằng khen của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, bằng khen của UBND tỉnh Hà Tây cùng những cúp vàng, huy chương vàng, bằng khen cho  các sản phẩm của mình.

Công việc sản xuất kinh doanh của một chủ doanh nghiệp bề bộn là vậy, nhưng Nguyễn Hữu Khai vẫn thường xuyên rèn luyện võ nghệ, nâng cao công lực, sức khỏe cho mình và dùng công lực  đó vào việc chữa bệnh cho bệnh nhân, anh còn là người đam mê văn chương và là một cây bút quen thuộc của báo Văn nghệ, Sức khỏe và Đời sống, báo Thể thao Việt Nam. Anh đã viết nhiều tập thơ, truyện ngắn được nhà xuất bản Hội Nhà  văn và Nhà xuất bản Văn hoá thông tin ấn hành, kèm theo những bài bình luận đặc sắc của những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Tổng Thư ký Hội nhà văn đã đúc kết cho nhân bản của Nguyễn Hữu Khai bằng những lời lẽ chân thật, rất trữ tình: “Cứu người không chỉ bằng thuốc, bằng võ nghệ, mà bằng cả tấm lòng nhân ái  và văn chương”.
Cũng trong lời bình truyện thơ “Tình Quê” của Nguyễn Hữu Khai, nhà thơ Vũ Duy Thông - Vụ trưởng Vụ báo chí Ban tư tưởng Văn hoá Trung ương nhận định: “Anh bạn này đến lạ, việc gì cũng đam mê, từ bắt mạch, kê đơn, châm cứu, múa võ trường đao, đoản kiếm, kinh doanh, sản xuất, khai phá đồn điền, viết văn, viết báo và làm thơ. Lạ hơn nữa không việc nào Khai không vắt kiệt sức mình, không hết lòng. Người thế thì lận đận là phải, đèo bòng đa mang chữ tình là phải !”.



Nghĩ về thơ nghĩ về người - nhà văn Vũ Duy Thông


Xm tin gốc:

http://yduocbaolong.vn/vi/tin-tuc/bao-chi-noi-ve-chung-toi/a-10748/nghi-ve-tho-nghi-ve-nguoi---nha-van-vu-duy-thong.aspx
NGHĨ VỀ THƠ, NGHĨ VỀ NGƯỜI
Nhà thơ Vũ Duy Thông
  Vụ trưởng Vụ  Báo chí - Ban Văn hóa tư tưởng Trung Ương


Do một lẽ tình cờ, tôi có trong tay bản thảo tập truyện thơ “Tình Quê” của Nguyễn Hữu Khai. Một Nguyễn Hữu Khai võ sư có hàng nghìn môn đệ, lừng danh trong giới giang hồ, từng vào sống ra chết khi khám tối, khi dưới rạch bùn sông “Hàm Tử” tôi đã biết. Một Nguyễn Hữu Khai lương y có đẳng cấp,   Tổng giám đốc Công ty Đông Nam dược Bảo Long, vài ba trăm công nhân, thuốc bán ra từng container, nổi tiếng trong, ngoài nước tôi cũng đã biết. Nhưng còn một Nguyễn Hữu Khai thơ thì hơi bất ngờ.
Hoàn toàn không hiểu một thói quen cố hữu của các nhà thơ là rất lười đọc người khác và càng dè dặt hơn khi giới thiệu một tập thơ đầu tay. Khai bình thản đề nghị: “Anh viết cho em lời nói đầu tập thơ sắp in. Vài hôm nữa em xin” không một chút rào đón. Tôi mỉm cười ừ hữ định bụng rồi mọi chuyện cũng sẽ qua...
Tập bản thảo để trên bàn tôi khá lâu. Đột ngột một ngày Hà Nội chớm đông. Mở cửa sổ nhìn ra, cây bàng trong khuôn viên đỏ bầm, lá rụng hối hả. Tôi lật vài trang đầu, lững thững đọc mấy dòng cuối cùng:


Thực tình nghèo vốn, giàu lòng
Miệt mài kiếm chọn viết xong chuyện này
Tạm vui trong lúc nghỉ tay
Cùng người đồng cảnh giãi bày tâm tư
Lời lẽ khi thiếu khi dư
Khen, chê xin nhận, cũng như cho vàng!


Mấy câu thật thà mà sao cứ thấy nhoi nhói trong lòng. Thơ bây giờ thất tình giả, đau đớn giả, cô đơn giả bừa bộn, nghe lời nói thật là nhận ra ngay. Tôi lật lại trang đầu và bắt đầu đọc. May sao, đọc được một hơi và càng đọc càng ưa.
... Xin đừng tìm ở đây một áng thơ trác tuyệt của người dày dạn với nghề. Không mảng miếng kỹ thuật tân kỳ, không những ý tưởng loé sáng, đôi chỗ còn láng máng như tập giọng Truyện Kiều, đôi chỗ còn ép vần, đôi chỗ còn sai lỗi chính tả. Một truyện thơ với cốt truyện giản dị có thể tóm lược ngay được như mọi truyện Nôm khuyết danh Phạm Tải – Ngọc Hoa, Phan Trần, Tống Trân – Cúc Hoa ông bà ta xưa vẫn kể. Nhưng càng đọc “Tình Quê” càng cảm động. Ta như được trở về với một vùng quê chân chất, mộc mạc mà giàu tình nghĩa. Ta như sống lại thời ba bốn chục năm trước ta đã sống. Nơi ấy có nô nức ngày hội tòng quân, trai làng khai gian tuổi, cho đá vào túi quần mong đủ cân để nhập ngũ. Nơi ấy chàng trai ra trận, cô gái ở nhà chăm mẹ người yêu như phận dâu con. Nơi ấy hợp tác xã kiến thiết đồng ruộng, khai hoang phục hóa  dưới bàn tay chèo lái của người con gái Ba Đảm Đang. Nơi ấy có rất nhiều nước mắt mà không bi lụy, nhiều mối tình éo le, trắc trở kể cả nhường vợ chưa cưới cho bạn mà vẫn đằm thắm, trong sáng tình người. Truyện vừa mới ngày nào thôi mà cứ như là trong cổ tích, một thứ ngày xưa ngay trong hiện tại khiến ta day dứt, tiếc nuối.
Đúng là đã có một ngày xưa như thế, Nguyễn Hữu Khai chỉ việc kể ra như thế với bạn về chính đời mình. Điều khiến tôi ngạc nhiên là sức mạnh nào đã giúp một con người từng bị tù tội, bị đày ải giữa đám người thú, bị chà đạp dưới bao bất công nhan nhản trong hầm giam, giữa rừng sâu, bến xe, quán chợ, gầm cầu mà vẫn gìn giữ được tình yêu trong sáng đến thế, vững chắc đến thế với cuộc sống, con người, đất nước để viết ra những chữ chan chứa yêu thương.


Người người lặng lẽ lắng nghe
Tiểu sử liệt sĩ lòng se, dạ sầu
Tiếng đọc nghèn nghẹn từng câu
Câu trước chưa rõ, câu sau đã mờ
Nỗi niềm lai láng, vật vờ
Căm thù, thương xót rối tơ trong lòng
*
*     *
... Thường khi đánh bại quân thù
Khểnh lưng trên chiếc võng dù ngắm trăng
Gió reo như nhủ thầm rằng
Thù chung đã trả, ở đằng sau ta...
Vui cảnh lại nhớ quê nhà
Nhìn núi lại nhớ mẹ già xa xôi
*
*     *
... Bóng rơm ấp ủ đàn gà
Bếp tranh nhả khói la đà ngọn tre
Tiếng ve ra rả gọi hè
Dọc đường phượng vĩ đỏ hoe nắng tà.


Thực lòng, tôi muốn trích thêm nữa, không hẳn vì đó là những câu thơ hay mà bởi làm được những câu thơ hay đã khó, sống hay được còn khó gấp bội.
Trong khi có nhiều người tự coi mình đức cao, đạo trọng, cũng từng cơm lính chiến trường, từng hết lời cám ơn những ngày gian khổ, bỗng làm bộ mặt rầu rĩ, ủ ê, tự khoác vào bộ áo hợp mốt thương vay khóc mướn cho một thời binh lửa thì “Tình Quê” viết ra năm 1998 tại TP Hồ Chí Minh kể đúng những gì đã có, nói đúng những gì mình nghĩ. Có lẽ thơ là ở đấy chăng?
Đọc thơ còn khó hơn làm thơ. Tôi đọc “Tình Quê” với sự thích thú. Chính mình cũng bất ngờ, giống như được xem tranh của thiếu nhi, nghe chèo ở xã hoặc ngồi trước màn rối nước. Thô mộc đấy mà sao hồn nhiên, tươi tắn, thuần khiết như chính dân gian. Hãy gỡ bỏ cặp kính hàn lâm ra, cái cặp kính khiến ta nhiều lúc khốn khổ vì nhìn đâu cũng thấy nhàm chán, tầm tầm, ta sẽ bắt gặp ở đây một thế giới của Thầy đồ các, Lợn ăn lá dáy, Chú Tiểu, Thị Màu, Người về con nhện giăng mùng... ngộ nghĩnh mà thâm trầm. thơ Nguyễn Hữu Khai rất giàu chất dân dã, nhất là khi anh thoát được sự kiềm tỏa của những bóng đại thụ. Tôi rất thích những câu thơ như thế này:


Chung tình, trọn nghĩa trước sau
Quên mình đi để vì nhau mới là
*
*     *
Lời người nước lướt lá khoai
Lời nhà xem cũng đọng vài giọt sương
*
*     *
Ngẫm mình đâu phải con tằm
Mà rút hết ruột rồi nằm bó thân
*
*     *
Rơm cháy thi sáng với đèn
Lưỡi lửa léo lắt liếm đen trôn nồi
*
*     *
Nếu thành vẫn vững như đồng
Hỏi rằng: Nền sụt thành sông hỡi thành?
*
*     *
Đành rằng ép có thể trôi
Lại e vung hở thì nồi sống cơm.
*
*     *
Gà gáy đâu phải đã to
Mà thấy trời sáng tưởng do tiếng mình
*
*     *
Có răng thì để răng nhai
Không răng thì lấy lợi mài cũng xong
*
*     *
Chẳng duyên nên nghĩa nên thân
Lòng mây xin được luôn gần núi non
*
*     *
Lòng ấy muốn giữ một màu
Thì đừng nên để dồn đau lòng này


Ca dao, dân ca phôi thai từ đấy chứ đâu? Vào lúc tôi viết những dòng này, Khai đang tất tả ở Bangkok để viết bài cho một tờ báo về Á Vận Hội thể thao lần thứ 13. Anh bạn này đến lạ, cái gì cũng đam mê, từ bắt mạch, kê đơn, châm cứu, múa võ trường đao, đoản kiếm, khai phá đồn điền, kinh doanh sản xuất, viết văn, viết báo và... làm thơ. Lạ hơn nữa, không việc nào Khai không vắt kiệt sức mình, không hết lòng. Người thế thì lận đận là phải, đèo bòng đa mang chữ tình là phải.
Còn với thơ, tôi xin lấy một đời nghề của mình để nói rằng anh chẳng thể sống bằng danh tiếng và tiền bạc từ thơ đâu, nhưng thiếu những người như anh thơ sẽ buồn tẻ đi nhiều lắm.

Tháng 12 năm 1998



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét