Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Bài số 18: Việc Tập đoàn Bảo Sơn rút đơn kiện Tập đoàn Bảo Long: Cần sựthiện chí của hai phía



   Việc Tập đoàn Bảo Sơn rút đơn kiện Tập đoàn Bảo Long: Cần sự thiện chí của hai phía

Xem tin gốc:

http://www.nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=7&ID=7639

Theo báo Người Cao Tuổi chuyên mục Pháp Luật số ra ngày Thứ Ba, 17/04/2012

Từ cuối năm 2011 và đầu năm 2012, Báo Người cao tuổi đã đăng nhiều kì phản ánh những thông tin liên quan đến việc hợp tác bất thành dẫn đến tranh chấp giữa Công ty Cổ phần Tập đoàn Y Dược Bảo Long (gọi tắt là Bảo Long) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng và Du lịch Bảo Sơn (gọi tắt là Bảo Sơn).

Ngày 21-10-2011, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Sơn đã gửi đơn khởi kiện Tập đoàn Bảo Long, do TS Nguyễn Hữu Khai, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ra TAND thành phố Hà Nội. Các cơ quan đã tổ chức hòa giải nhiều lần không thành, công an cũng đã vào cuộc song vụ việc vẫn nhiều khúc mắc, khó giải quyết dứt điểm.




Trước thực tế đó, ngày 3-4, với lí do để có thời gian củng cố thêm tài liệu, chứng cứ phục vụ giải quyết vụ việc và thời gian thỏa thuận với bị đơn, ông Nguyễn Trường Sơn rút đơn khởi kiện gửi TAND thành phố Hà Nội trong vụ tranh chấp kinh doanh thương mại với Tập đoàn Bảo Long. Sau ba ngày nhận đơn của ông Nguyễn Trường Sơn, ngày 6-4-2012, Thẩm phán Nguyễn Tiến Mạnh đã kí Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Trường Sơn và bị đơn là ông Nguyễn Hữu Khai. Như vậy là, sau hơn một năm kể từ ngày đầu bàn bạc và thống nhất việc hợp tác giữa Bảo Long và Bảo Sơn, rồi sau đó việc hợp tác bị biến thái dần chuyển sang tranh chấp tài sản, thương hiệu giữa Bảo Sơn với Bảo Long có vẻ như đi vào hồi kết nếu như cả hai cùng thiện chí đàm phán, thống nhất.

Đại tá Trần Quang Lịch, Trưởng Công an thị xã Sơn Tây làm việc với PV các 
báo ngày 28-2-2012, đại diện Tập đoàn Bảo Sơn và Bảo Long 
(ông Nguyễn Trường Sơn ngồi cạnh ông Lịch).

Ban đầu, việc bàn bạc và thống nhất hợp tác giữa Bảo Long và Bảo Sơn diễn ra rất thuận lợi, chóng vánh bởi sự tin tưởng ở tình bạn, tình anh em của ông Sơn và ông Khai. Sau đó, sự cả tin dễ dãi của người này đã tạo cớ cho lòng tham của người kia trỗi dậy. Từ việc hợp tác bất thành chuyển sang tranh chấp. Bên Bảo Sơn cho rằng, số tiền 227.513.174.701 đồng đã chuyển cho Bảo Long là tiền để mua toàn bộ Công ty Cổ phần Tập đoàn Y Dược Bảo Long, Bệnh viện đa khoa tư nhân Bảo Long, Trường phổ thông võ thuật Bảo Long. Còn phía Bảo Long lúc đầu hiểu rằng Bảo Sơn có thiện chí hợp tác, chỉ là góp vốn, sau mới hiểu Bảo Sơn có ý mua lại toàn bộ Công ty CP Tập đoàn Y Dược Bảo Long chỉ với số tiền đó. Tuy nhiên, theo Bảo Long tính toán, nếu việc chuyển nhượng được thực hiện, thì trừ giá trị thương hiệu Công ty CP Tập đoàn Y Dược Bảo Long, Bệnh viện đa khoa tư nhân Bảo Long, Trường phổ thông võ thuật Bảo Long và bản quyền thương hiệu các sản phẩm của Công ty CP Tập đoàn Bảo Long thì số tiền Bảo Sơn phải trả tối thiếu là 355.658.760.782 đồng chứ không phải là 227.513.174.701 đồng.

Đến nay, mọi việc dần chìm lắng, cũng là lúc hoạt động của Bảo Long đang ổn định trở lại. Các sản phẩm và thương hiệu Bảo Long vẫn tín nhiệm, trong khi những thông tin liên quan đến vụ tranh chấp chỉ mang lại “tai tiếng”, sự mệt mỏi cho Tập đoàn Bảo Sơn.


Tới đây việc thỏa thuận giữa hai bên càng thiện chí, sớm dứt điểm bao nhiêu, càng đỡ thiệt hại cho cả hai bấy nhiêu, dù rằng sau một năm tranh chấp cả Bảo Long và Bảo Sơn đều mệt mỏi và thiệt hại lớn. Sự tổn thất, mất mát lớn, đó là ảnh hưởng thương hiệu giữa hai doanh nghiệp và tình bạn, tình anh em, uy tín của ông Nguyễn Hữu Khai và Nguyễn Trường Sơn. Xem ra bài học “giàu vì bạn, sang vì vợ” không bao giờ trở thành xưa cũ và không phải ai cũng thuộc!


Quốc Dũng.







Giải mã hiện tượng Nguyễn Hữu Khai


Xem tin gốc:

http://yduocbaolong.vn/vi/tin-tuc/bao-chi-noi-ve-chung-toi/a-10640/giai-ma-hien-tuong-nguyen-huu-khai.aspx

GIẢI MÃ HIỆN TƯỢNG
NGUYỄN HỮU KHAI


Nhà văn Võ Khắc Nghiêm

(Theo Báo Kinh Doanh và Tiếp Thị số 489)

Trong công cuộc đổi mới đất nước, cùng với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, trên khắp các miền quê càng ngày càng xuất hiện nhiều thương hiệu, nhiều con người Việt Nam lập những kỳ tích được đông đảo công chúng tín nhiệm, mến mộ. Lương y, tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai với sức phát triển của Tập đoàn Y dược Bảo Long được các cơ quan báo chí, truyền thông thường xuyên giới thiệu, ngợi ca như một hiện tượng đặc sắc của mẫu người Việt Nam bình thường đã biết vượt qua muôn vàn khó khăn, vượt qua những giới hạn của sức chịu đựng, của học vấn, những rào cản của lề thói đố kỵ, ích kỷ, hẹp hòi, vươn lên gây dựng cơ nghiệp và tự hoàn thiện mình bằng ý chí học tập rèn luyện phi thường, bằng sức làm việc sáng tạo liên tục và bằng cả lòng nhân ái cao đẹp.

Thầy thuốc ưu tú, Võ sư, Tiến sỹ y học Nguyễn Hữu Khai

Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự đã dựa vào chất liệu sống cuộc đời thực của Nguyễn Hữu Khai viết nên tiểu thuyết “Nợ đời” gây được tiếng vang lớn. Nhà văn Thùy Linh , nhà văn Phạm Ngọc Tiến và nhà văn Trung Trung Đỉnh đã chuyển “Nợ đời” thành kịch bản phim truyền hình nhiều tập “Đường đời” do Nghệ sĩ Ưu tú Trần Quốc Trọng và Trần Hoài Sơn đạo diễn, được hàng triệu người Việt Nam yêu thích. Việc phải đổi tên “Nợ đời” thành “Đường đời” bởi lúc này đã có phim truyền hình mang tên “Nợ đời”. Dù thỉnh thoảng vẫn gặp gỡ Nguyễn Hữu Khai, vẫn được anh mời dự những sự kiện quan trọng của Bảo Long, tôi vẫn bâng khuâng, vẫn ngạc nhiên đến sững sờ khi thấy Đại tá, nhà văn Tôn Ái Nhân- Phó giám đốc nhà xuất bản Công an nhân dân tập hợp tới trăm  bài báo đã đăng về anh và hàng trăm bài báo, văn thơ, truyện ngắn do anh viết đã được các báo đăng tải để tuyển chọn cho xuất bản cuốn sách mang tên: Bảo Long- Nguyễn Hữu Khai. Bỗng nhiên tôi muốn giải mã con người Nguyễn Hữu Khai: Điều gì đã giúp anh thành đạt, điều gì đã khiến anh làm được nhiều việc tốt đẹp không phải chỉ cho dòng họ mình, quê hương mình và còn tạo dựng biết bao niềm vui cho những người xa lạ. Không đếm nổi những người đã được anh cứu chữa, được anh dạy nghề Đông y, dạy võ thuật, lo công ăn việc làm, cưu mang lúc cơ hàn hoạn nạn. Hầu hết những công nhân, cán bộ đến Bảo Long từ buổi đầu nay đều đã có bằng cấp, có tri thức, có nhà cao cửa rộng, có hạnh phúc gia đình bền vững.
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét về Nguyễn Hữu Khai qua tác phẩm truyện thơ “Tình quê” của anh do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 1999 viết: “Cứu người không chỉ bằng thuốc, bằng võ nghệ mà bằng cả tấm lòng nhân ái và văn chương”. Nguyễn Hữu Khai đã nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất trên 200 sản phẩm thuốc chữa bệnh, làm đẹp và tăng cường sức khỏe từ thảo dược, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và thế giới tin cậy. Anh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ y khoa tại Cộng hòa Liên bang Nga về đề tài: Tăng cường khả năng miễn dịch bằng thảo dược để phòng bệnh và điều trị các chứng bệnh có nguồn gốc Virus. Anh cũng dày công đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm các phương thuốc chữa trị ung thư, u bướu và HIV từ chế phẩm thảo dược, bước đầu đã có kết quả. Không chỉ say mê y võ, xây dựng môn phái võ Bảo Long nhằm mục đích nâng cao thể lực, sức đề kháng của con người, Nguyễn Hữu Khai còn đam mê văn chương nghệ thuật và thể thao, đến mức bỏ hàng tỷ đồng xây dựng Nhà thi đấu, các sân bóng, thành lập Trung tâm y học thể thao Bảo Long.
Anh đã xuất bản truyện thơ “Tình quê” và tập thơ “Lửa tình” với khá nhiều bài đã được phổ nhạc. Anh còn là cây bút quen thuộc của nhiều tờ báo như “báo Văn nghệ”, “Sức khỏe và Đời sống”, “Thể thao Việt Nam”, “Tạp chí y dược”... với nhiều bài viết sâu sắc về con người Việt Nam và những chứng bệnh cần lưu tâm. Anh cũng đã từng thử sức mình trong lĩnh vực truyện ngắn và có hàng loạt truyện dí dỏm, bi hài đã in trên nhiều tờ báo. Gần đây anh đã cho xuất bản hai bộ sách luyện võ, luyện khí công và nhiều bộ sách về y học. Suy cho cùng biết võ, biết văn đều đắc dụng cho nghề làm thuốc cứu người, cho việc điều hành Bảo Long đi đúng hướng. Với cương vị Tổng giám đốc Tập đoàn y dược Bảo Long, lại là lương y, Tiến sĩ chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc sáng chế mọi sản phẩm của Bảo Long, vừa phải lo điều hành sản xuất kinh doanh, vừa phải lo mở rộng thị trường, lo xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ cho cán bộ công nhân tiến kịp với những yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Ấy vậy mà anh vẫn phải thường xuyên dành mỗi ngày bốn giờ khám chữa bệnh theo yêu cầu đích danh của khách hàng và của rất nhiều bạn hữu. Sáng ở Sài Gòn, chiều ra Hà Nội, đêm đã đến Nam Ninh dự hội thảo... Anh đã từng lang thang trên đất Trung Quốc, đất Nga, đất Mỹ, đất Pháp để khảo sát, học hỏi và mở rộng thị trường. Có lúc nhẵn túi anh phải đi dạy võ để kiếm tiền về.

Võ sư, Nhà văn, nhà báo Nguyễn Hữu Khai - P. Trưởng chi nhánh phía Nam, Báo thể thao Việt Nam
Kiêm trưởng ban biên tập chuyên san Thế giới Thể thao và chuyên san Thể Thao Khỏe Đẹp.

Dậy võ tại Trung tâm huấn luyện võ thuật Sure - Paris, Cộng Hòa Pháp
(Trong thời gian tác nghiệp tại Wordlcup 1998)
Lương y, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Khai và GSTS Lê Văn Truyền - Thứ trưởng Bộ y tế
giao lưu với các nhà khoa học Ukraina. Tại khu rừng sinh thái (Tháng 4 - 2000)



Lương y, Võ sư Nguyễn Hữu Khai - P. Trưởng chi nhánh phía Nam, Báo thể thao Việt Nam
Kiêm trưởng ban biên tập chuyên san Thế giới Thể thao và chuyên san Thể Thao Khỏe Đẹp.
Tác nghiệp tại: Asian Games lần thứ 13 (1988) - Bangkok, Thái Lan

Lại được các bạn nước ngoài tin cậy muốn giữ lại làm thầy, sẵn sàng kiếm cho cô vợ “mắt xanh, tóc vàng”. Nhưng Nguyễn Hữu Khai nặng tình với quê hương lắm, cho dù một số người quê anh chưa hiểu anh, nên không thiện chí, có lúc đã xử sự với anh như “chùm khế chát đắng”, phá đi của anh tiền tỷ đã đầu tư cho vùng trồng dược liệu Thung Cống. Người ta bảo số anh, mệnh có Thiên tướng, Đào hồng được lắm người giúp, người thương, “kẻ tiểu nhân không đủ sức làm hại”, dù có ném ra hoang đảo cũng thành Rôbinsơn, thành An Tiêm, có quả dưa đỏ gửi về cho quê hương. Có lẽ Nguyễn Hữu Khai đã nếm trải quá nhiều đắng cay, cơ cực nên anh hiểu người, hiểu giá trị cuộc đời, hiểu nghĩa vụ mình phải giúp đỡ mọi người. Anh đã chọn cho mình một nghề “cứu người” cao quý và mọi đam mê của anh đều nhằm giúp con người hoàn thiện hơn, khỏe mạnh hơn, tốt đẹp hơn. Thực ra sóng gió phũ phàng của cuộc đời đã xô đẩy Nguyễn Hữu Khai xuống đáy vực thẳm…Rồi bằng chính nghị lực của mình anh đã vượt lên. Nguyễn Hữu Khai từng gặp nhiều kẻ xấu hãm hại, gặp bao sự đố kỵ, chèn ép, lừa đảo, xâu xé, kiếm chác, moi ruột, chọc mắt... Nhưng bên cạnh nghị lực và sức chịu đựng phi thường, anh đã gặp được nhiều người tốt sẵn lòng cưu mang, giúp đỡ, dạy cho anh kiến thức, lẽ phải, khơi dậy trong anh những năng khiếu sẵn có, định hướng cho anh những bước đi đúng đắn. Ngoài những giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ và các nhà khoa học đã được anh tập hợp trong Hội đồng cố vấn khoa học Bảo Long, Nguyễn Hữu Khai có rất nhiều bạn hữu thân thiết trong giới văn nghệ sĩ và nhà báo nổi tiếng. Anh luôn biết lắng nghe, biết học hỏi mọi chuyện, biết tiếp thu tức thì và chắt lọc, gom góp mọi điều hay. Việc nâng cấp Tổng công ty Y dược Bảo Long thành Tập đoàn, mở Bệnh viện đa khoa, tiến tới mở Trường đại học Đông y đầu tiên ở Việt Nam... là những việc làm phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước lâu dài, được nhiều người đóng góp, khích lệ anh. ( Click vào đây để xem video nhà khoa hoc từ thực tiễn. Của Lương y, TS Nguyễn Hữu Khai )

Nguyễn Hữu Khai là một con người tổng hợp nhiều tài năng mà ở lĩnh vực nào anh cũng thành đạt mà bản chất nhân hậu luôn sáng chói. Những bằng khen, Cup vàng về công tác xã hội, công tác nhân đạo của anh xếp hàng chồng chật kín một gian phòng. Anh đã được Nhà nước tặng nhiều Huy chương và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Những giải thưởng về chất lượng Đông dược Bảo Long cũng không thể kể hết được.(Cúp vàng thương hiệu an toàn về sức khỏe cộng đồng, Siêu cúp hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn, Cúp vàng thương hiệu nổi tiếng Việt Nam.Thương hiệu mạnh Việt Nam, Thương hiệu Việt Nam hành đầu Top 100, Cúp vàng Tự hào thương hiệu Việt, Giải thưởng chất lượng châu Á Thái Bình Dương....
Nhiều khán giả truyền hình đòi hỏi phải có phim: “Đường đời” phần 2, nhà văn Phạm Ngọc Tiến (tác giả kịch bản phim Đường đời) cho hay: Cuộc đời của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai kể từ khi vợ chết năm 1988 “gà trống nuôi con” như cảnh kết thúc của phim Đường đời cho đến nay ăm ắp những giữ kiện ấn tượng. Việc xây dựng Đường đời phần 2 là không khó nhưng vấn đề là sự kiện gần quá…!


Nguyễn Hữu Khai - ảnh chụp năm 1988


Tiền vận khổ cực, hậu vận thành đạt, hiển vinh ắt phải giàu sang, sung sướng... Hiển vinh thì đúng rồi, nhưng Nguyễn Hữu Khai chưa thể giàu sang, sung sướng khi mà còn phải tất bật lo nghĩ, nhọc tâm suốt ngày, suốt năm. Ít khi người ta thấy anh ăn ngon, ngủ yên. Lúc nào trong anh cũng đầy ắp suy tư, lo nghĩ. Có lẽ với Nguyễn Hữu Khai, khái niệm giàu sang, sung sướng cũng khác lắm! Ấy là làm được nhiều điều tốt đẹp, đem lại sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc cho thật nhiều người. Hóa ra cái tên “Nợ đời” của Hoàng Dự đặt cho tiểu thuyết là đúng với Nguyễn Hữu Khai nhất.
“Nợ đời trả mãi chẳng xong. Leo bao nhiêu núi vẫn mong cứu người”

Video  Những tác giả của " Đường Đời " 




[youtube=http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=Tq2rbm_mVgg]



NGHĨ VỀ THƠ, NGHĨ VỀ NGƯỜI

Nhà thơ Vũ Duy Thông  Vụ trưởng Vụ  Báo chí - Ban Văn hóa tư tưởng TW
(Trích đăng Báo Văn Nghệ Năm 1999)





   Do một lẽ tình cờ, tôi có trong tay bản thảo tập truyện thơ “Tình Quê” của Nguyễn Hữu Khai. Một Nguyễn Hữu Khai võ sư có hàng nghìn môn đệ, lừng danh trong giới giang hồ, từng vào sống ra chết khi khám tối, khi dưới rạch bùn sông “Hàm Tử” tôi đã biết. Một Nguyễn Hữu Khai lương y có đẳng cấp,     Tổng giám đốc Công ty Đông Nam dược Bảo Long, vài ba trăm công nhân, thuốc bán ra từng container, nổi tiếng trong, ngoài nước tôi cũng đã biết. Nhưng còn một Nguyễn Hữu Khai thơ thì hơi bất ngờ.


     Hoàn toàn không hiểu một thói quen cố hữu của các nhà thơ là rất lười đọc người khác và càng dè dặt hơn khi giới thiệu một tập thơ đầu tay. Khai bình thản đề nghị: “Anh viết cho em lời nói đầu tập thơ sắp in. Vài hôm nữa em xin” không một chút rào đón. Tôi mỉm cười ừ hữ định bụng rồi mọi chuyện cũng sẽ qua...
    Tập bản thảo để trên bàn tôi khá lâu. Đột ngột một ngày Hà Nội chớm đông. Mở cửa sổ nhìn ra, cây bàng trong khuôn viên đỏ bầm, lá rụng hối hả. Tôi lật vài trang đầu, lững thững đọc mấy dòng cuối cùng:


Thực tình nghèo vốn, giầu lòng
Miệt mài kiếm chọn viết xong chuyện này
Tạm vui trong lúc nghỉ tay
Cùng người đồng cảnh giãi bày tâm tư
Lời lẽ khi thiếu khi dư
Khen, chê xin nhận, cũng như cho vàng!


    Mấy câu thật thà mà sao cứ thấy nhoi nhói trong lòng. Thơ bây giờ thất tình giả, đau đớn giả, cô đơn giả bừa bộn, nghe lời nói thật là nhận ra ngay. Tôi lật lại trang đầu và bắt đầu đọc. May sao, đọc được một hơi và càng đọc càng ưa.
... Xin đừng tìm ở đây một áng thơ trác tuyệt của người dày dạn với nghề. Không mảng miếng kỹ thuật tân kỳ, không những ý tưởng loé sáng, đôi chỗ còn láng máng như tập giọng Truyện Kiều, đôi chỗ còn ép vần, đôi chỗ còn sai lỗi chính tả. Một truyện thơ với cốt truyện giản dị có thể tóm lược ngay được như mọi truyện Nôm khuyết danh Phạm Tải – Ngọc Hoa, Phan Trần, Tống Trân – Cúc Hoa ông bà ta xưa vẫn kể. Nhưng càng đọc “Tình Quê” càng cảm động. Ta như được trở về với một vùng quê chân chất, mộc mạc mà giàu tình nghĩa. Ta như sống lại thời ba bốn chục năm trước ta đã sống. Nơi ấy có nô nức ngày hội tòng quân, trai làng khai gian tuổi, cho đá vào túi quần mong đủ cân để nhập ngũ. Nơi ấy chàng trai ra trận, cô gái ở nhà chăm mẹ người yêu như phận dâu con. Nơi ấy hợp tác xã kiến thiết đồng ruộng, khai hoang phục hóa  dưới bàn tay chèo lái của người con gái Ba Đảm Đang. Nơi ấy có rất nhiều nước mắt mà không bi lụy, nhiều mối tình éo le, trắc trở kể cả nhường vợ chưa cưới cho bạn mà vẫn đằm thắm, trong sáng tình người. Truyện vừa mới ngày nào thôi mà cứ như là trong cổ tích, một thứ ngày xưa ngay trong hiện tại khiến ta day dứt, tiếc nuối.
Đúng là đã có một ngày xưa như thế, Nguyễn Hữu Khai chỉ việc kể ra như thế với bạn về chính đời mình. Điều khiến tôi ngạc nhiên là sức mạnh nào đã giúp một con người từng bị tù tội, bị đày ải giữa đám người thú, bị chà đạp dưới bao bất công nhan nhản trong hầm giam, giữa rừng sâu, bến xe, quán chợ, gầm cầu mà vẫn gìn giữ được tình yêu trong sáng đến thế, vững chắc đến thế với cuộc sống, con người, đất nước để viết ra những chữ chan chứa yêu thương.


Người người lặng lẽ lắng nghe
Tiểu sử liệt sĩ lòng se, dạ sầu
Tiếng đọc nghèn nghẹn từng câu
Câu trước chưa rõ, câu sau đã mờ
Nỗi niềm lai láng, vật vờ
Căm thù, thương xót rối tơ trong lòng


*
*     *
... Thường khi đánh bại quân thù
Khểnh lưng trên chiếc võng dù ngắm trăng
Gió reo như nhủ thầm rằng
Thù chung đã trả, ở đằng sau ta...
Vui cảnh lại nhớ quê nhà
Nhìn núi lại nhớ mẹ già xa xôi
*
*     *
... Bóng rơm ấp ủ đàn gà
Bếp tranh nhả khói la đà ngọn tre
Tiếng ve ra rả gọi hè
Dọc đường phượng vĩ đỏ hoe nắng tà.



Thực lòng, tôi muốn trích thêm nữa, không hẳn vì đó là những câu thơ hay mà bởi làm được những câu thơ hay đã khó, sống hay được còn khó gấp bội.
Trong khi có nhiều người tự coi mình đức cao, đạo trọng, cũng từng cơm lính chiến trường, từng hết lời cám ơn những ngày gian khổ, bỗng làm bộ mặt rầu rĩ, ủ ê, tự khoác vào bộ áo hợp mốt thương vay khóc mướn cho một thời binh lửa thì “Tình Quê” viết ra năm 1998 tại TP Hồ Chí Minh kể đúng những gì đã có, nói đúng những gì mình nghĩ. Có lẽ thơ là ở đấy chăng?
Đọc thơ còn khó hơn làm thơ. Tôi đọc “Tình Quê” với sự thích thú. Chính mình cũng bất ngờ, giống như được xem tranh của thiếu nhi, nghe chèo ở xã hoặc ngồi trước màn rối nước. Thô mộc đấy mà sao hồn nhiên, tươi tắn, thuần khiết như chính dân gian. Hãy gỡ bỏ cặp kính hàn lâm ra, cái cặp kính khiến ta nhiều lúc khốn khổ vì nhìn đâu cũng thấy nhàm chán, tầm tầm, ta sẽ bắt gặp ở đây một thế giới của Thầy đồ các, Lợn ăn lá dáy, Chú Tiểu, Thị Màu, Người về con nhện giăng mùng... ngộ nghĩnh mà thâm trầm. thơ Nguyễn Hữu Khai rất giàu chất dân dã, nhất là khi anh thoát được sự kiềm tỏa của những bóng đại thụ. Tôi rất thích những câu thơ như thế này:


Chung tình, trọn nghĩa trước sau
Quên mình đi để vì nhau mới là
*
*     *
Lời người nước lướt lá khoai
Lời nhà xem cũng đọng vài giọt sương
*
*     *
Ngẫm mình đâu phải con tằm
Mà rút hết ruột rồi nằm bó thân
*
*     *
Rơm cháy thi sáng với đèn
Lưỡi lửa léo lắt liếm đen trôn nồi
*
*     *
Nếu thành vẫn vững như đồng
Hỏi rằng: Nền sụt thành sông hỡi thành?
*
*     *
Đành rằng ép có thể trôi
Lại e vung hở thì nồi sống cơm.
*
*     *
Gà gáy đâu phải đã to
Mà thấy trời sáng tưởng do tiếng mình
*
*     *
Có răng thì để răng nhai
Không răng thì lấy lợi mài cũng xong
*
*     *
Chẳng duyên nên nghĩa nên thân
Lòng mây xin được luôn gần núi non
*
*     *


Lòng ấy muốn giữ một màu
Thì đừng nên để dồn đau lòng này



Ca dao, dân ca phôi thai từ đấy chứ đâu? Vào lúc tôi viết những dòng này, Khai đang tất tả ở Bangkok để viết bài cho một tờ báo về Á Vận Hội thể thao lần thứ 13. Anh bạn này đến lạ, cái gì cũng đam mê, từ bắt mạch, kê đơn, châm cứu, múa võ trường đao, đoản kiếm, khai phá đồn điền, kinh doanh sản xuất, viết văn, viết báo và... làm thơ. Lạ hơn nữa, không việc nào Khai không vắt kiệt sức mình, không hết lòng. Người thế thì lận đận là phải, đèo bòng đa mang chữ tình là phải.
Còn với thơ, tôi xin lấy một đời nghề của mình để nói rằng anh chẳng thể sống bằng danh tiếng và tiền bạc từ thơ đâu, nhưng thiếu những người như anh thơ sẽ buồn tẻ đi nhiều lắm.


Cựu chiến binh, Nhà văn, Nhà báo Nguyễn Hữu Khai
Đoạt giải Ba cuộc thi viết ký phóng sự nhân kỷ niệm
1000 năm Thăng Long do Báo Người Hà Nội tổ chức


TÌNH QUÊ
MỘT TRUYỆN THƠ ĐẶC SẮC
    Nhà văn Bùi Bình Thi

(Trích đăng Báo Sức khỏe đời sống Năm 2000)



    Trong nhiều năm nay trên văn đàn vùng thơ thường chỉ có những tập thơ bài ngắn tựa như những bản ca khúc thôi thì đủ mọi kiểu thơ ở trong vô số những tập thơ gồm nhiều bài thơ ngắn mà tác giả tập hợp lại ấy. Rồi cũng có một số tập thơ trong đó là thể loại trường ca. Hay dở của thể loại này hoặc thể loại kia thì có thời gian để mà bàn, mặc dầu đã bước sang thế kỷ XXI. Tuy vậy, có một thể loại thơ thấy hiếm khi xuất hiện, đó là truyện thơ. Cũng như kịch thơ, tôi không rõ những ai mê kịch thơ. Nhưng thể loại này trước 1945 đã thấy có tuy không nhiều, cả trong kháng chiến chống Pháp cũng xuất hiện những đêm kịch thơ trong rừng Việt Bắc.
Trở lại truyện thơ bây giờ rất hi hữu, ấy vậy mà lại xuất hiện có tên là “Tình Quê”, truyện thơ của tác giả Nguyễn Hữu Khai do Nhà xuất bản Văn hóa  – Thông tin ấn hành.
Tác giả tặng tôi tập thơ này vào đầu năm nay, tôi cầm về và càng đọc thì càng trân trọng với những gì mà tác giả Tình Quê gửi gắm ở đây. Có lẽ, tôi có thuận lợi hơn nhiều bạn đọc là tác giả cùng quê với tôi; điều quan trọng hơn, nhà tác giả tôi đã về thăm, đứng bên này trên tầng gác thượng nhà Nguyễn Hữu Khai, nhìn qua sông Đáy sang đất Ứng Hòa là huyện nhà tôi.
Quê của Khai xanh biếc cây và yên ả, êm đềm quá, nhà gạch san sát và đồng đất bãi chạy phẳng lỳ vào đến tận chân núi. Cây trái xum xuê trong rất nhiều vườn nhà. Đứng trên cao nhìn xuống càng đẹp, mái ngói màu xanh nâu lấp ló trong tán cây màu xanh rì. Những nhánh đường lát gạch, hon đa chạy làm cho cảnh sắc thêm sinh động và đáng yêu.
Sở dĩ tôi nhắc đến quang cảnh làng quê Khai là vì, đọc truyện thơ của anh, tôi thấy mồn một. Nhất là cái âm hưởng của thơ lục bát làm cho không chỉ “Tình Quê” mà cả cảnh quê, người người trẻ già gái trai của quê mình đã hiện lên rất sống động trong truyện thơ này của anh.
Xin hãy đọc một đoạn về cảnh trí đẹp và gợi cảm xúc nồng nàn ở đây:


“... Đầm sen ngào ngạt tỏa hương
Khăn, đàn tha thướt dọc mương tới hồ
Ngút ngàn mườn mượt nương ngô
Nắng chiều gieo bạc xuống hồ lăn tăn
Khoan khoan trên chiếc thuyền nan
Hồng chèo Phổ hát, Phổ đàn Hồng nghe
Khúc đàn gợi nét xuân hè
Âm thanh dìu dịu, gió nhè nhẹ qua
Sóng đàn, sóng nước giao thoa
Tiết tấu nẩy lộc, nở hoa trên cành...”


Điều làm tôi ngạc nhiên khi đọc truyện thơ của Nguyễn Hữu Khai ấy là cảnh quê hương của anh vừa tả trên đây lại là cảnh hoàn toàn có thật, thật một trăm phần trăm ở quê anh. Vì vậy cái thật như đếm của cảnh sắc quê hương, của trai gái quê hương anh, được anh tràn vào thơ với một âm vận lục bát sành điệu, do đó làm cho thơ anh như một bức ảnh chụp hết sức sinh động và chứa chan cảm xúc.
Truyện trong thơ này lấy khoảng thời gian của trước khi giặc Mỹ leo thang gây chiến tranh ở miền Bắc nước ta. Hồng - một cô gái nết na, Phổ – một chàng trai tuấn tú ở cùng quê, cùng trường học thuở  ấu thơ. Nguyện vọng tha thiết của Phổ là cầm súng đánh Mỹ. Cái tài của tác giả là khi sáng tác ra truyện thơ này là thời gian cách trong truyện thơ khá xa, hơn 20 năm chứ không ít. Ấy vậy mà trong truyện thơ đã tái hiện được nguyên si cảnh trạng. Tình huống không ít và nhất là nhịp điệu sống, nhịp điệu sinh hoạt, làm lụng, cấy hái của thời bấy giờ.

“... Chiến trường thi với ruộng đồng
Bà con náo nức cấy trồng vụ xuân
Cờ bay phấp phới xa gần
Tiếng trống thúc giục bước chân mọi người
Khu này rộn tiếng nói cười
Ấy hội thi cấy người người ra tay
Xem ai thắng cuộc hôm nay
Cấy nhanh, cấy khéo, cấy ngay thẳng hàng...”


Hay là một pha ghi nhanh bằng thơ khá sống động và tứ thơ lung linh, làm cho người đọc nhớ lại những kỷ niệm êm đềm của ngày ấy:

“... Phi lao song lối đường mòn
Hắt hiu ánh nắng đã tròn bóng cây
Nhịp cầu nho nhỏ mới xây
Nước mương cuộn chảy tới đây giật lùi
Vo vo nước xoáy sập sùi
Xốn xang Hồng trộn lo, vui trong lòng
Hội thi tay cấy vừa xong
Chị là kiện tướng một trong ba người
Sen cong cuống búp ngậm cười
Phượng non khép kín sắc tươi la đà...”


Điều đáng nói nhất ở đoạn trên đây còn là cách khai thác tâm trạng đau đáu của Hồng nhớ thương và mong mỏi tin người yêu trong lòng chị. Ngoài ra còn biểu hiện một điềm gở và linh cảm không lành đến với chị. (Sau đó là chị nhận giấy báo tử của chồng chưa cưới).
Lấy cảnh để nói tình, lấy cảnh để tả tâm trạng, kể cũng có nhiều nhà thơ đã làm. Nhưng điều đáng nói ở đoạn truyện thơ trên là cảnh sắc rất rành rẽ hết sức thật, thật tới mức đọc bằng chữ, mà có cảm giác như xem ảnh, một bức tranh đọc mà thi sĩ Nguyễn Hữu Khai vừa chụp ấy thì quả thật là hiếm thấy, và cũng vì thế mà nó thực sự đặc sắc.
Toàn bộ truyện thơ dài 1472 câu thơ phong gói một chuyện tình của đôi trai gái, cô gái tên là Hồng. Anh con trai tên là Phổ, rồi một vài người nữa là mẹ Phổ, Trình bạn thân của hai người, một vài bà con làng xóm. Nhân vật đâu có nhiều vậy mà cái tình, cái tâm trạng của các nhân vật ấy nhất là nhân vật chính Hồng - Phổ – Trình ... lại đa dạng và sinh động đến thế.
Một câu chuyện tình cảm động Phổ và Hồng yêu nhau, trầu cau chạm ngõ, thề non hẹn biển khi Phổ ra trận. Hồng ở lại quê nhà xây dựng HTX. Thế rồi, năm chờ tháng đợi mà vẫn bặt tin Phổ. Rồi tin báo tử của Phổ về làng, nhận được tin người yêu hy sinh ngoài mặt trận Hồng đau đớn vô hạn. Người ta thường nói đến những khúc ngoặt này của tình cảm, thường là người ta chỉ hạ một câu:...”Bút nào tả xiết”. Nhưng với Nguyễn Hữu Khai anh đã tả xiết được, lại tả xiết bằng thơ nữa kia.
Xin độc giả đọc đoạn thơ sau, lời trong tâm tưởng của Hồng:


“... Thoắt nghe Hồng cắn chặt môi
Khụy chân, chững bước bồi hồi ruột gan
Sập cầu cành gẫy bình tan
Đất trời nghiêng ngả lệ dàn dụa rơi
Anh ơi muôn dặm xa vời
Em chờ anh nỡ dứt lời hỡi anh
Duyên ta chưa tới ngày lành
Mà sao hoa lá đã thành gió sương
Hỡi ơi! Sóng bể dặm trường
Xương tan thịt nát vãi vương nơi nào
Hỡi trời lồng lộng xanh cao!
Duyên tình con trẻ nỡ nào cắt đi
Không thương đem đến làm chi
Mà thương còn nỡ chia ly sao đành?
Hỡi trời! Hỡi biển! Hỡi anh!
Thôi thôi duyên đã tan tành từ đây...!”
Xin hãy chú ý bốn câu cuối:
“...Không thương đem đến làm chi
Mà thương còn nỡ chia ly sao đành...?”


Phải nói rằng bằng thơ mà tả được đến vậy là rất hay. Nó hay ra sao? Nó hay ở chỗ đầy chất nữ tính đến cái nỗi đọc đến đây tôi phải reo lên: “Nguyễn Hữu Khai hiểu tâm trạng con gái quá”. Hiểu thấu đến thế nên là thơ mộc mạc chất phác mà lại gói trọn trong một trạng thái khôn xiết đau đớn của một cô gái có người yêu, chồng chưa cưới vừa nghe tin hy sinh ngoài mặt trận. Thế rồi từ tâm trạng của người con gái, đến tâm trạng của người mẹ cô gái, trong cùng cảnh mất mát đã được tác giả chuyển đoạn rất khéo. Một núi đau thương của hai con người một già một trẻ cộng lại dài thông quá ba chục câu thơ, ấy vậy mà thật đầy đủ và bộc lộ được tính cách khá rõ của hai mẹ con. Truyện thơ khi miêu tả nhân vật rất có điều kiện để tả tâm tình, vì văn vần nhất là văn vần lục bát thì càng thuận lợi cho việc nói đến tâm trạng. Chỉ có điều nói thế nào, và cách nào. Ở đây, Nguyễn Hữu Khai đã chọn cách tả của tiểu thuyết, nghĩa là tả thẳng vào mỗi nhân vật, rồi từ đó nghĩ đến người thứ ba ra sao? Ở đây tác giả quả thật đã thành công lắm. Xin hãy nghe tâm trạng đau đớn, thương cô gái của một bà mẹ:

“... Nhìn trẻ nhức nhối lòng già
Dìu con từng bước vào nhà giải khuyên
Con ơi! Bớt nỗi buồn phiền
Cảnh chung cả nước phải riêng đâu mình
Đã là trọn nghĩa trọn tình
Người tuy khuất bóng nghĩa mình còn đây
Giữ hoa khỏi phụ hồn cây
Trên nhà hai cụ cũng đầy đau thương
Nén lòng giữ nét bình thường
Con lên trên ấy liệu đường nói năng
Nới chùng trong lúc dây căng
Lựa lời an ủi san bằng sầu đau
Chung tình trọn hiếu trước sau
Quên mình đi, để vì nhau mới là...”


Trong 14 câu trên đây, số câu hay chiếm già nửa trong đó có những câu thơ rất hay, nghĩa là tiêu chuẩn hay là phải lấy chuẩn mực của nhà thơ chuyên nghiệp. Vậy mà Nguyễn Hữu Khai, tôi dám chắc đây là tập truyện thơ đầu tay của anh.
Còn những câu rất hay ư? Như câu sau đây:


“... Giữ hoa khỏi phụ hồn cây......”
“...... Quên mình đi, để vì nhau mới là...”


Những câu thơ hay thì tác giả nào cũng có. Còn câu thơ hay mộc mạc chân quê thì như thơ của Nguyễn Hữu Khai này cũng đáng là thơ lắm. Và không phải là nhà thơ nào cũng có đâu.
Và cô gái trong cảnh đau thương đó: Hồng ra sao đây? Vì bên cô còn mẹ của Phổ, cô đau một thì mẹ đau mười. Cô phải khuyên giải mẹ của Phổ như thế nào bây giờ?
Nguyễn Hữu Khai tả thật hay: Hồng đã đến đứng dưới hiên nhà Phổ và chìm đắm trong cảnh đau thương của gia đình bố mẹ, anh em của người yêu. Vậy mà tác giả chỉ cần một câu thơ thôi mà nói được hết cả:


“... Hồng vẫn đứng lặng một bên
Mái nhà chao đảo đè lên đỉnh đầu...”


Lấy toàn bộ cái mái nhà là nơi đang chất chứa bao thương đau, cao như núi và mái nhà đó đè xuống đầu Hồng thật không gì đầy đủ hơn khi nói về những nỗi đau thương vô hạn nặng nề đó.
Thế thì sau câu trên sẽ còn những gì nữa? Còn chứ, và cũng hay không kém. Ta hãy đọc tiếp để xem tâm trạng Hồng có những gì nữa:


“... Mẹ Phổ lại ngất hồi lâu
Hồng nâng mẹ dậy lấy dầu cao xoa
Nén tâm tràn mắt lòa nhòa
Liễu lòng oằn nhức, muối chà, thiết dây
Ôm mẹ biết nói gì đây
Nước mắt luồn cổ nghẹn đầy đau thương...”


Người ta vẫn thường nói, khi nỗi đau được kìm nén thì “nước mắt nuốt vào trong”. Ở đây tác giả cũng ý ấy nhưng lại có hình ảnh hơn!

“Nước mắt luồn cổ nghẹn đầy đau thương...”


Cách sáng tạo đã rất có chất lượng, chẳng những thế hồn thơ lại thật là bình dị.
Cô gái thôn quê nết na đó, nén chịu đau thương, mất mát đó bằng cách đem nghị lực và chí bền vào hành động cụ thể Hồng đã tìm ra được một lẽ sống tích cực, bởi cô hiểu rằng, tuy bây giờ người yêu cô không còn, nhưng không phải vì vậy mà cô chìm đắm mãi trong mất mát lớn đó. Mà cô phải quyết thắng cái nỗi buồn đang dìm cô xuống, mà vượt lên cùng thanh niên trong làng và bà con xây dựng ngày một to đẹp đàng hoàng hơn. Bởi vì, nó cũng chính là ước mơ của người yêu cô. Vậy là, đáp ứng được nguyện vọng của người đã khuất.
Một thời gian sau, nỗi buồn nguôi bớt, có một chàng trai có tình cảm với Hồng nhưng Hồng đã gạt đi Hồng chưa thể dành trọn trái tim cho ai được. Nhưng rồi thời gian lại trôi nhanh, Trình một người bạn của Phổ và của Hồng bị thương từ chiến trận với hoàn cảnh thương tâm mất một mắt, một tay mà khi tỏ tình với Hồng, Hồng ưng thuận. Ngày cưới đã được ấn định thì Phổ về làng, anh bị báo tử nhầm. Phổ chỉ bị bắt làm tù binh, bị giặc tra tấn. Sau này có đợt trao trả của hai bên ta và địch, Phổ được về làng. Về làng, Phổ biết tin Hồng sắp cưới, mà chồng chưa cưới của Hồng chẳng phải ai xa lạ lại là bạn anh - một thương binh.
Nỗi lòng của Phổ thật là ngổn ngang, nhưng với bản lĩnh và sự thấu đáo của người lính, Phổ đã vượt lên. Ta hãy lắng nghe thổ lộ của tâm can Phổ khi đến bên Hồng và nỗi lòng của hai người:


“... Xót xa dứt ruột khôn cùng
Tủi thương chăn gối lạnh lùng gió đông
Thăm mẹ rồi đến bên Hồng
Tĩnh tâm trò chuyện như không biết gì
Nhẹ như bấc, nặng như chì
Người thì thanh thản, người thì vấn vương
Lánh nhìn lòng lại càng thương
Càng thương! Càng thấy khó đường nói ra...”


Thế rồi Trình, chồng sắp cưới của Hồng, anh đã hiểu ra. Và đến đây cả ba đang trong mối tơ vò. Trình đã biết vượt lên. Anh có một tâm hồn cao cả đến kỳ lạ. Anh lý giải với Phổ, Hồng và đề nghị hai người trở về với tình đầu của họ. Đến đây thơ của Nguyễn Hữu Khai ngân nga như một hồi chuông dồn lên đổ hồi:

“... Đã là trọn nghĩa trước sau
Duyên vàng nhường lại cho nhau mới là
Cũng nên nghĩ đến người ta
Thủy chung đã trọn dứt ra sao đành
Nát lòng khi thấy gẫy cành
Mà tình vàng ấy vẫn dành cho ai?
Thương yêu bố mẹ hôm mai
Chăm sóc sớm tối hơn hai năm trời
Phớt lờ ong bướm ở đời
Tấm lòng vàng ngọc khắc lời hiếu chung...”


Lại nói về Phổ về sự kiện người yêu của Phổ ngày xưa và lại là vợ sắp cưới bây giờ mà giọng chí thiết chí tình như thế thì có thể nói Trình, lòng anh tâm hồn anh cao cả biết nhường nào!.
Phải rồi, Trình cũng như Phổ, tận trung, tận hiếu với nước non, đến nỗi tấm thân quý giá đâu có tiếc, xông vào cuộc chiến đấu để cùng đồng đội giành lấy chiến công. Những con người đẹp đẽ như vậy họ hẳn phải  có một tâm hồn đẹp. Và xin hãy đọc tiếp lời Trình:


“... Lánh người tài đức khôn cùng
Với tôi tàn tật lại chung duyên tình
Ơn người thương mến đến mình
Nay lòng xin nguyện trắng tinh bạn đời...”


Chao ôi! Một tâm hồn cao thượng là vậy mà lại nói giản dị là vậy. Tình bạn và tình yêu hòa trộn, để rồi nguyện với lòng mình để tình bạn lên trên, bởi đó là tình của những người cùng chiến hào mà.
Xin cứ hãy đọc tiếp lời Trình:


“... Mong rằng Phổ hãy nhận lời
Để cho trọn vẹn tình đời chúng ta
Như thế thì mới gọi là
Tình sâu nghĩa nặng đậm đà cả hai
Gian nan từng trải đường dài
Gan vàng dạ sắt sao phai duyên màu...?”


Người ta nói, đã là núi phải có đỉnh, đã là một tâm hồn thanh cao thì trên đỉnh của thanh cao đó là hồi chuông của lời cao cả, lời nghĩa tình.
Phải rồi đã là mối quan hệ của tình bạn và tình yêu với đúng cái nghĩa chân xác và chính trực thì nó giản dị là vậy.
Chúng ta đọc tiếp lời Phổ:


“... Đang tươi đổi sắc thành sầu
Phổ nghèn nghẹn giọng lựa câu đáp lời:
“... Trình ơi! Lòng dạ biển trời
Chất đầy thuyền nghĩa chở lời ơn anh...”


Chúng ta thấy xúc cảm của Phổ cũng thật là chân thành và xúc cảm ở đây Nguyễn Hữu Khai đã biết dừng bút một cách chính xác rằng chỉ có thể nói được đến thế mới là Phổ và hay nhất là câu:

“... Đang tươi đổi sắc thành sầu...”


Ta hãy chú ý đến cách miêu tả chân dung Phổ của tác giả. Ở đây tác giả thật am hiểu tâm lý của những con người chân chính. Trước cái lớn lao của bạn, Phổ ngập như bơi giữa biển sâu mênh mông, đã trong cảnh huống ấy thì dầu can đảm đến đâu cũng ngợp và đã ngợp thì sao có thể “Đang tươi...” mãi được. Và sự biến sắc mặt ấy cũng chính là sự biểu hiện của môt con người có tâm hồn cao thượng, biết chừng mực. Đó là trong sâu xa Phổ không thể không chấp nhận mối quan hệ của Trình và Hồng, vì anh đã “hy sinh” rồi kia mà. Bây giờ anh trở về khi biết Hồng đã có nơi chốn mà nơi chốn lại chính là bạn anh, Phổ đã phần lớn tự lấy lại trong tâm hồn mình sự bình yên và cũng sẽ mừng cho đôi lứa đó rồi. Bởi nên sự thay đổi của Trình với Hồng và Phổ, với Phổ nó quá lớn lao, quá cao và quá đẹp.
Ta hãy để ý đến tâm trạng Hồng:


“... Rằng: Bên Trình một năm thừa
Tháng ngày sóng gió nắng mưa có Trình
Thương người quá nỗi thương mình
Rút tơ, luộc nhộng nấu tình xót xa...”


Quê hương Hà Tây có nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa.
Sự đau xót, dằn vặt đấu tranh tư tưởng của Hồng đã được tác giả khắc họa bằng hình ảnh ”ươm tơ kéo kén”: (Muốn lấy tơ từ kén tằm người ta phải cho kén vào nước sôi, mà trong kén có con nhộng. Nhộng phải chìm nổi trong nước sôi lửa bỏng). Đây là lúc Hồng nghĩ tới sự nối lại tơ duyên cùng Phổ thì khác nào sợi dây tơ tình ấy được rút ra từ kén và sự đau đớn khổ sở của Trình khác nào như con nhộng bị luộc trong nước sôi. Và như thế thì lòng dạ nào Hồng có thể cam chịu vì vậy nên:


“... Lòng nào thêu gấm dệt hoa
Muốn phơi nắng gió phôi pha một đời!...”


Chị đã định giãi tình đời phơi trong nắng gió, chả thà chấp nhận mất tất cả... và thế rồi chị đã chết ngất trước hai bạn đời.


“Tâm can vò xé tơi bời
Mắt mờ giọng nghẹn, hồn rời khỏi hoa
Thương ơi! Lặng ngất giữa nhà
Ôm chân, ôm cổ xót xa hai lòng...”


Đau xót dâng trào trong lòng Trình và Phổ nhưng họ chỉ dám lao vào “... Người ôm chân, kẻ ôm cổ” đúng là nghĩa cử của những chàng thanh niên thời ấy.
Và dưới đây nữa. Nếu trong tập truyện thơ này có đoạn nào hay nhất được lấy ra trong vô số đoạn hay thì đoạn dưới đây tôi cho là hay đến ngất lòng người đọc:


“...Tỉnh ra, lệ nóng tuôn dòng
Thề xưa, xối xả những mong giữ lời
Ân tình đành trải đôi nơi
Tình đầu nối lại một đời một dây
Bình vơi sẻ nước ắp đầy
Cơm sôi giảm lửa căng dây nới chùng
Các anh đã một ý chung
Tim em một nhịp hòa cùng các anh
Hoa xưa lại được nhập cành
Ơn người rộng lượng ghép lành gương tan...”


Trong tiểu thuyết và cả trong truyện thơ, tâm trạng con gái, phụ nữ bao giờ cũng rất khó miêu tả đối với người viết. Vậy mà ở đây tác giả đã không những tả đúng trạng huống của Hồng, một cô gái đang đứng trước ngã ba đường tình. Cả hai đều đã có tình yêu và đã có tình thương. Thật là rắc rối tơ lòng mà còn tả rất đúng tâm lý của một cô gái quê thuần hậu. Khôn ngoan, biết tiến thoái đúng mức và luôn biết xử lý một cách hợp lý và chẳng hề chìm đắm trong bi thương khốc liệt.
Con người cao cả thì cả lý và tình đều rạng rỡ. Những con người đẹp, cao thượng khôn khéo và dũng cảm như vậy nay trong tình yêu thì làm sao mà lại không thể đánh thắng kẻ thù lớn là đế quốc Mỹ cho được.
Trong chủ đề là tình yêu và cách cư xử với tình yêu, Nguyễn Hữu Khai đã làm một quy chiếu với phổ quát rộng lớn đó là: Đất nước mình ngày ấy đã sản sinh những thế hệ con trai, con gái tuyệt vời biết bao.
Nguyễn Hữu Khai quả là đã thành công trong tập truyện thơ này. Điều quan trọng hơn nữa là khi đang đọc tập truyện thơ này của Khai ta lại thấy như thấp thoáng giữa những dòng thơ của Khai hiện lên những tập thơ khác nữa. Chúng ta mong được đón đọc tiếp những tập thơ mới của anh.
CỰU CHIẾN BINH, NHÀ VĂN, NHÀ BÁO NGUYỄN HỮU KHAI
VIẾT VỀ THỜI BINH LỬA


Tình mẹ


Tình mẹ là mẹ mọi thứ tình
Phủ cõi đời rung tỏa lung linh.
Giữa oi ả nhiễu giọt dài thấm đất
Chồi tơ nẩy vươn lên tình mẹ
Đọt rễ non len lỏi đến giọt rơi
Khắp gần xa trên cả cõi đời
Những thành đạt đều từ trong tình mẹ.
Mẹ là đất, là nước, là Tổ quốc.
Tình mẹ se tơ quấn kín đất trời!

Mẹ ơi! Con thêm hiểu khi trẻ thơ đau yếu
Mẹ thế nào, hơn thế nữa vì con.
Phận nghèo xưa góc chiếu rách mòn
Lận đận đời tư tướp xơ tầu lá
Trời để sống là diệu kỳ tạo hóa
Mưa uốn còng lưng, nắng nhuộm bạc mái đầu.
Đói héo lòng, rét rật nếp nhăn sâu
Đời khổ cực lâu rồi quên nỗi khổ
Quên cả chết những vì con quên hết
Mẹ thương con hơn cả chính mình
Chợ lời người khăn chít lặng thinh
Tình yêu con không gì sánh được.

Run từng bước, đường tiễn con ra trận
Con trên cây dưới đất mẹ lo nhiều
Dứt lòng mình sẻ bớt tình yêu
Nước mắt cạn mẹ khóc than bằng ruột
Đau đớn lắm nhưng đã rồi chấp nhận!
Mừng non sông tươi đẹp yên bình

Mẹ ơi! Mẹ mong gì mẹ nhỉ?
Mẹ chẳng cần chi ...! Chỉ cười ngắm xa xôi.
Nắng bừng lên sáng rực phía chân trời!





Nguyễn Hữu Khai cùng đồng đội


HAI BẢN NHẠC CHO BÀI THƠ
“Tình mẹ”

                                     Triệu Phong



Trên tay tôi lúc này là hai bản nhạc của hai nhạc sĩ ở hai miền đất nước: Nhạc sĩ Trần Hữu Bích – Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh và Nhạc sĩ Vân Trung – Đoàn ca múa Quân đội. Điều thú vị là cả hai bản nhạc này đều cùng mang một tên là “Tình mẹ”, bởi  nó cùng được phổ từ bài thơ “Tình mẹ” của Lương y Nguyễn Hữu Khai. Có gì đặc sắc ở bài thơ này mà các nhạc sĩ đã cùng lấy cảm hứng?
“Tình mẹ hơn mọi thứ tình” – Nhạc sĩ Trần Hữu Bích tâm sự: Thoạt đọc thì rất bình thường, dân dã nhưng càng ngẫm thì lại càng thấy thấm thía. Thú thực là ngay câu thơ đầu tiên ấy của Nguyễn Hữu Khai đã làm tôi chú ý tới bài thơ và sau đó thích thú đọc một mạch. (Bài thơ được in trên báo Nhân dân). Những câu thơ vừa giản dị về một người mẹ mà lại điển hình cho bao người mẹ của chúng ta và người mẹ ấy cũng là Tổ Quốc đã làm tôi hết sức xúc động. Và rồi theo lời thơ, câu hát: “Mẹ là đất, là nước, là Tổ Quốc” bỗng vang lên trong tôi, và tôi biết bài hát đã bắt đầu. Trong niềm cảm xúc ấy tôi đã viết liền một mạch bài hát và rất mừng rằng ngay sau khi chào đời thì bài hát “Tình mẹ” lập tức được nhiều bạn trẻ đón nhận, yêu thích…
Được biết bài hát “Tình mẹ” của Trần Hữu Bích phổ nhạc cho thơ Nguyễn Hữu Khai tuy xuất hiện chưa bao lâu nhưng đến nay đã được phát nhiều lần trên Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh qua các giọng hát Mỹ Lệ và Hồng Hạnh, được giới thiệu và dạy hát tập thể trong chương trình giới thiệu bài hát mới tại Nhà văn hoá Thanh niên TP Hồ Chí Minh và đã được Ban tổ chức cuộc thi “Tiếng hát truyền hình 2000” chọn là một trong 60 bài hát quy định và được đưa vào tuyển tập 100 bài hát về phụ nữ Việt Nam thế kỷ XX… Kể như đó là một thành công cho cả nhạc sĩ và đương nhiên nhà thơ.
Nếu như “Tình mẹ” của Trần Hữu Bích đã có công chúng thì “Tình mẹ” của Nhạc sĩ Vân Trung mới ra lò còn đang nóng hổi. Vân Trung cho hay rằng  anh cũng đọc bài thơ này từ báo Nhân dân và dưới góc độ một người chiến sĩ anh đã rất thích thú và nghĩ rằng nó có thể trở thành một bài hát hay cho cac chiến sĩ ta. Và thế là anh bắt tay vào phổ nhạc, cũng khá công phu để có thể trở thành bài hát hôm nay, mà hình tượng người mẹ trong bài hát là một người mẹ – Mẹ chiến sĩ: “Run từng bước tiễn con ra trận, con trên cây dưới đất mẹ lo nhiều…” thân thương với tất cả người lính.





Một người sông đáy

         
Nhà thơ: NGUYỄN QUANG THIỀU

(Trích đăng Báo Văn nghệ Năm 2000)


     Tôi quen NGUYỄN HỮU KHAI mới hai năm nay, nhưng tên anh thì tôi nghe đã lâu. Sản phẩm nổi tiếng của Công ty Đông Nam dược Bảo Long có mặt từ lâu trên thị trường trong nước và nước ngoài. Nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã viết một bút ký lạ và hay về cuộc đời anh trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Mới đây anh được Viện Hàn Lâm khoa học mang tên Xê chê nốp – Liên bang Nga phong tặng học vị tiến sĩ. Bây giờ anh là người thành đạt. Nhưng để đi đến sự thành đạt hôm nay, anh đã đi qua những năm tháng thật khắc nghiệt đôi khi tuyệt vọng. Con người anh là một bài học về khát vọng và nghị lực sống.
Làng tôi và làng anh cách nhau con sông Đáy. Anh ở làng Kênh Đào thuộc huyện Mỹ Đức. Những năm 1970, tôi ngày ngày qua sông sang xã anh học cấp 3. Đấy là một vùng nghèo. Trước kia vào mùa nước, người bên vùng anh thường gồng gánh sang vùng tôi chạy lụt. Quê tôi và quê anh trong những năm tháng ấy tăm tối và nghèo đói. Tôi không thể hình dung được rằng: Trong những đứa trẻ mắt trắng, môi thâm, bụng ỏng, suốt mùa đông khắc nghiệt chỉ mặc một chiếc áo rách và một chiếc quần đùi lại có thể trở thành một người như Nguyễn Hữu Khai bây giờ. Gia sản của những đứa trẻ ấy ngày đó không có gì ngoài con sông Đáy. Sông Đáy luôn mang trong mình nó tinh thần bền bỉ và sức mạnh của nước. Sông Đáy đã chảy ra biển với sự bền bỉ và sức mạnh ấy. Và những cư dân hai bên bờ sông Đáy đã thừa hưởng tinh thần đó. Một trong những cư dân đó là Nguyễn Hữu Khai.
Suốt thời gian dài, Nguyễn Hữu Khai là một kẻ tha phương trong thiếu thốn và cô đơn. Khi thành đạt, anh tìm đường trở về cố hương. Anh quyết mang sức lực và trí tuệ của mình để làm một điều gì đó cho cố hương mình. Nhưng một số người vì những lý do này nọ đã chối từ anh. Nhưng tình yêu quê hương đã thôi thúc anh trở về một lần nữa. Và lần này hy vọng rằng anh sẽ toại nguyện. Trong những năm tháng tha phương ấy, lòng thương nhớ cố hương đã bắt anh cầm bút làm thơ. Chỉ có cách đó anh mới có thể làm cho lòng mình dịu đi những nỗi nhớ nhung mộng mị về một miền quê đói nghèo mà giàu tình nghĩa của anh. Đây cũng chính là con đường dẫn nhiều người đầy lòng trắc ẩn đến với thi ca. 
Nguyễn Hữu Khai đã in một truyện thơ viết về gia đình mình, quê hương mình. Tập “Lửa tình” là tập thơ thứ hai của anh. Nguyễn Hữu Khai cũng giống như nhiều người Việt Nam khác lấy thi ca để bày tỏ, để sẻ chia và thanh lọc bụi trần, thơ của anh với những tâm tình nồng cháy, giầu nhạc điệu, anh đã tự viết nhạc cho nhiều bài thơ. Nhiều câu thơ chân thật của anh là một quan niệm sống, đôi khi là một đạo sống.
Một người đã nghèo đói như Nguyễn Hữu Khai, một người đã giàu có như Nguyễn Hữu Khai, một người đã trầm luân như Nguyễn Hữu Khai, và một người đã thành đạt như Nguyễn Hữu Khai thì mới có thể viết nên hai câu thơ kết trong bài “Tình mẹ” đạt đến độ tĩnh lặng và tinh khiết tuyệt đối như thế này:                                        “...Mẹ chẳng cần chi! Chỉ cười ngắm xa xôi
Nắng bừng lên sáng rực phía chân trời”
Tôi đã nghĩ về Nguyễn Hữu Khai như vậy trong sự im lặng có thể im lặng được.

Tết

Năm nào cũng tết, cũng xuân
Lối mòn mà thấy khi gần khi xa
Quên trong đói khổ là nhà
Nhớ khi no đủ ấy là quê hương
Kể từ lang bạt tứ phương
Ngẩn ngơ Tết... lại ngóng đường về quê.


Hương Tích cầu duyên



Hương tích ngàn xưa chẳng thấy già

Tới mùa trẩy hội rộn lòng ta

Non xanh vuốt suối, mềm thon thả

Rừng uốn thung sâu, mơ trắng hoa



Suối Yến võng nặng thuyền nối thuyền

Núi luồn đáy suối đỡ nước lên.

Mõ kinh nâng bổng hồn lữ khách

Hơi sương rung vẹo những mái đền.



Mây xòa cửa động đón khói tiên

Thần khí uy linh, cảnh dịu hiền.

Nhũ bạc lửng lơ, gieo sữa lộc

Vách ngọc lung linh giấu cõi thiền.



Duyên rừng xanh lá nối dặm trường

Dốc đèo mỗi bậc, mỗi yêu thương

Trời đất chẳng xe sao gặp được?

Lâng lâng rạo rực nỗi tơ vương.



Em cầu nguyện chi trước bệ Rồng

Có giống lòng anh mong ước không?

Trăm mong ngàn muốn em cầu một

Thôi!... Chẳng nói đâu... Má em hồng.



Nắng chiều xé bạc trải loáng dòng

Bến quen tiễn khách đẫm chờ mong

Bữa nay cửa Phật lời khó tỏ

Hứng ánh mắt thương rót cháy lòng.



Mồng 8 tháng giêng Canh Thìn.





Tìm anh trong mưa lũ


(Kính viếng hương hồn các Liệt sỹ đã hy sinh
cứu dân trong lũ lụt miền Trung năm 1999)


Em kiếm tìm anh trong xoáy lũ
Thuyền bơ vơ quay đảo bập bềnh
Mưa xối phố nghiêng, mái chèo run rẩy
Mải miết cứu dân chẳng thấy anh về!

Anh mất thật rồi chiều nay nước rút !!!
 
Huế cùng anh thành Sơn Tinh cao vút
Đẩy lùi hung hãn Thủy Tinh
Lại hồi sinh câu hò xứ Huế
Lại hồi sinh cánh diều nhỏ em ta
Cả nước đến bên cầu Bạch Hổ
Che bình yên cho mỗi mái nhà 


Giao thừa tính sổ
Giao thừa tính sổ cả năm quaSo đi, tính lại suýt soát hòa
Rủi may, may rủi, người tốt xấu
Hơn thua, chênh lệch ở phần ta. 




Phút giao thừa
Dù chẳng còn yêu, xin mình đừng ghétXa cách rồi, nào nỡ chém lời đau.
Giao thừa này hái lộc ở nơi đâu
Xin một phút nghĩ về nhau cho ấm.


Chị  tôi
Chị tôi như cải ngồng non,
Chồng hy sinh phải nuôi con một mình
Táo ngon chẳng rụng sân đình,
Mẹ chồng còn đó, nặng tình đàn em.
Thức đêm khóe mắt quầng đen,
Vẫn duyên tràn lúm đồng tiền... lắt lay.

Con vào đại học sáng nay,
Dòng thu ảm đạm giờ này chợt tươi.
Tình riêng thoáng vọng cuối trời,
Hiến mình vì nghĩa,
Quên đời vì con.





Khóc bố

Thổn thức lòng con suốt cả ngày
Bố đã đi rồi con mới hay!
Phải chăng bố gọi con trước đó?
Thưa bố! Con về với bố đây !

Hỡi ơi! Con cháu nêm trắng nhà
 
Tâm can nhàu héo, mắt sũng nhòa
Bố đi! Thanh thản nơi Tiên cảnh
Con ở cõi trần kiếp phôi pha!

Vợ con bất nghĩa bỏ con rồi!
 
Gối chăn, giường chiếu sẻ đôi nơi!
Đã mất vợ rồi! Giờ mất bố
Ngọn tàn! Gốc lụi! Lấy đâu chồi !

Tình tan! Nghĩa chảy! Hỡi bố ơi!
 
Đáy lòng cạn lắm,  nước tình vơi!
Hàn mãi chẳng lành!... Thôi tại số!
Lòng con đau một, bố xót mười!

Một thời đẹp ấy, đã xa rồi
 
Thuyền đà ngược lái dứt neo trôi
Còn đâu những lúc con ôm bố
Khoe với bạn bè, bố vợ tôi!

Bố ơi “bố vợ” của con ơi!
Danh xưng xưa ấy của người đời
Nay gọi thế nào? Đời chưa đặt!
Cứ gọi như xưa, có ai cười?

Bố chẳng bỏ con, nghĩa vẹn tròn
Con vẫn còn bố, bố còn con
Hoa xưa đơm trái gieo nhiều hạt
Xum xuê vườn phúc, nghĩa sắt son!







[youtube=http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=YQp5zFKJ02w]

Video Hồn Quê Âm Vang Tinh Võ




Gặp Mặt Đồng Đội





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét