Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Phần 3:Vụ chuyển nhượng giữa hai Công ty Bảo Long - Bảo Sơn liệu có gìmờ ám ?

Vụ chuyển nhượng giữa hai Công ty Bảo Long - Bảo Sơn liệu có gì mờ ám ?

Xem tin gốc:

http://yduocbaolong.vn/vi/tin-noi-bo/thuong-vu-bao-long-bao-son/a-9494/vu-chuyen-nhuong-giua-hai-cong-ty-bao-long---bao-son-lieu-co-gi-mo-am-.aspx

Sự vụ Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long (viết tắt là Bảo Long) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn (viết tắt là Bảo Sơn) chuyển nhượng cơ sở, tài sản cho nhau đang gây ồn ào dư luận. Từ chuyện đầu tư nâng cấp phát triển thương hiệu, rồi “khéo tay, nhào nặn, nắn vuốt” thành ra bán tài sản, công cụ, máy móc, thiết bị nhà cửa, bán cả đất đang thuê của Nhà nước, bán cả nhân lực, bán cả tri thức, cả nghĩa tình…








Trường Trung cấp Y dược Bảo Long vừa mới được UBND Thành phố Hà Nội ra Quyết định thành lập ngày 3-6-2011, nay cũng bị chuyển nhượng, đổi tên thành Trường Trung cấp Y dược Bảo Sơn. Từ năm 2003, Công ty Bảo Long đã cần mẫn, vất vả làm thủ tục xin giấy phép. Ban đầu là xin thành lập Trường Đại học Đông y, sau chuyển thành Trường Cao đẳng Y dược và cuối cùng, theo quy chế chỉ được thành lập Trường Trung cấp Y dược sau hơn 8 năm kiên tâm đầu tư cơ sở vật chất… với sự tham gia của nhiều chuyên viên có uy tín, giàu kinh nghiệm. Chưa cần bàn đến tính pháp lí, chỉ với quá trình trên, Trường Trung cấp Y dược Bảo Long đã mang ý nghĩa thiêng liêng, đủ đưa vào “luật bất thành văn” là không ai có thể tuỳ tiện mua bán!


Khi anh em thân hữu và Hội đồng quản trị, cùng các cổ đông chất vấn, ông Nguyễn Hữu Khai, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bảo Long thanh minh: “Đã lỡ kí chuyển nhượng toàn bộ mặt bằng, đất đai, nhà xưởng cho Công ty Bảo Sơn rồi”. Nay họ đề nghị bán cho họ Trường Trung cấp Y dược Bảo Long thì làm sao khước từ? Họ xin, khéo cũng phải cho! Bởi vì Trường Trung cấp Y dược Bảo Long được thành lập với điều kiện có cơ sở vật chất khuôn viên, phòng ốc và có xưởng sản xuất thuốc, có bệnh viện để thực hành. Nếu Công ty Bảo Sơn không cho thuê lại cơ sở vật chất trên thì biết đưa Trường này về đâu? Và khi không đủ điều kiện, UBND Thành phố Hà Nội sẽ thu hồi giấy phép! Để lí giải việc bị cho là vi phạm Điều lệ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long và Luật Doanh nghiệp vì tự quyết định “Bán tài sản lớn” của Công ty không thông qua đại hội đồng cổ đông, ông Nguyễn Hữu Khai giải thích: Ngày 11-7-2011, ông tới gặp ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn “xin giải ngân tiếp” để trả nợ nóng ngân hàng và một số cổ đông thì bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc Tài chính của Bảo Sơn đã nói với bà Lê Thúy Hằng (vợ ông Nguyễn Hữu Khai) là Phó Tổng Giám đốc tài chính của Công ty Cổ phần Tập đoàn Bảo Long rằng: “Còn một số giấy tờ văn bản liên quan đến hai bên, phía Bảo Long kí nốt đi để bác Sơn vui rồi tôi sẽ trình lệnh giải ngân cho”. Khi chỉ còn một trong hai sự lựa chọn là kí hay “chết” do bức bách về vốn, ông Nguyễn Hữu Khai và bà Lê Thúy Hằng đã kí một loạt văn bản, trong đó có cả biên bản họp Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long về việc chuyển nhượng và hợp đồng chuyển nhượng Trường Trung cấp Y dược Bảo Long. Thế nhưng, từ đó đến nay, Công ty Bảo Sơn chẳng làm như đã hứa.


Ông Nguyễn Vĩnh Hảo là một cổ đông lớn (có tên trong điều lệ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long) cho biết: Biên bản họp Hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long số 11/2011/BB-BL ngày 11-7-2011 về việc chuyển nhượng toàn bộ Trường Trung cấp Y dược Bảo Long và tài sản và Hợp đồng chuyển nhượng số 1107/CNTCYD/BL-BS ngày 11-7-2011 về việc chuyển nhượng Trường Trung cấp Y dược Bảo Long cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn là sự cài đặt kí tá mờ ám. Bởi vì, từ đầu tháng 6 năm 2011, dựa vào hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm số 01/CNVCP&TS/BL-BS kí ngày 3-3-2011 thì Công ty Cổ phần Tập đoàn Bảo Sơn đã làm thủ tục đổi đăng kí kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long và thay toàn bộ danh sách những người đứng tên trong giấy đăng kí kinh doanh mang tên ông Sơn cùng vợ con ông ấy. Vậy mà đến ngày 11-7-2011, ông Nguyễn Hữu Khai lại “tái sinh” cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long kí Biên bản họp Hội đồng quản trị và Hợp đồng chuyển nhượng nói trên cho Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn? Tập đoàn Y dược Bảo Long đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông cùng lãnh đạo các cơ quan đoàn thể Đảng, Đoàn, Công đoàn, Hội Cựu chiến binh và thủ trưởng các đơn vị quyết định phế truất chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Y dược Bảo Long của ông Nguyễn Trường Sơn, bởi không đủ tư cách, phẩm chất và thực tế ông Nguyễn Trường Sơn mới chỉ mua đất, mua nhà mà chưa hề góp cổ phiếu nào vào Bảo Long. Đồng thời phế truất chức Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Bảo Long của ông Phạm Quốc Đặng, Nguyên Hiệu trưởng trường Trung cấp Quân y 1 (người được ông Nguyễn Trường Sơn thuê làm Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Bảo Sơn) và không chấp nhận việc chuyển nhượng Trường Trung cấp Y dược Bảo Long.


Ngày 5-10-2011, trong buổi làm việc của Thanh tra TP Hà Nội tại Tập đoàn Y dược Bảo Long, luật sư Vũ Mạnh Hùng phân tích:

Hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và đất đai nhà xưởng của Bảo Long với Bảo Sơn soạn thảo và thực hiện không tuân thủ quy chế, nguyên tắc luật pháp;


Việc chuyển nhượng đất dự án thuê của Nhà nước chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

Việc chuyển nhượng cổ phần chưa tính giá trị thực của cổ phiếu khi chuyển nhượng và không thông qua đại hội đồng cổ đông;

Việc chuyển nhượng (bán nhà, xưởng) không viết hóa đơn, không có thủ tục mua bán hợp pháp;

Trong tổng diện tích đất chuyển nhượng có cả đất nông nghiệp (Nhà nước cấm mua bán, chuyển nhượng) và có cả đất mang chủ quyền của cá nhân không thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long;

Việc thay tên, đổi chủ Bệnh viện đa khoa tư nhân Bảo Long thành Bệnh viện đa khoa tư nhân Bảo Sơn chưa được ngành y tế phê duyệt và đơn vị cũ chưa quyết toán thuế Nhà nước và chưa hoàn tất việc thanh toán công nợ…

Chữ nghĩa văn bản nhiều điều khoản không rõ ràng dẫn tới tranh chấp…!


Tập đoàn Y dược Bảo Long có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ và các nhà giáo, các võ sư, huấn luyện viên… và hiện có 3 trường (Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long, Trường Dạy nghề dân lập Bảo Long, Trường Trung cấp Y dược Bảo Long). Do gắn với việc giáo dục, nên nếu vì khó khăn, vận hạn… mà phải tìm “mẹ nuôi” cho những đưa con thân thương của mình để được thành đạt, khi lựa chọn cũng phải cẩn trọng, nhất là cần có tâm sáng, bằng không thì chỉ gieo họa cho xã hội mà thôi!


Phương Thanh


(Nguồn từ: nguoicaotuoi.org.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét