Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Sơn: Con người tôi từ Xứ Nghệ mà ra

Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Sơn: Con người tôi từ Xứ Nghệ mà ra

Xem tin gốc :

http://www.baonghean.vn/news_detail.asp?newsid=75654&CatID=31

(Baonghean) - Gặp nhiều người xứ Nghệ ở Hà Nội nhưng khá gây ấn tượng với tôi là ông Nguyễn Trường Sơn - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn.

Ông Nguyễn Trường Sơn



Ông Sơn sinh năm 1944, tuổi Giáp Thân, tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Bàn đến phong cách của người xứ Nghệ, nhiều người cho rằng có ba nhân vật trong một con người, đó là: một kẻ bình dân “khố chạc”, (tiếng địa phương là “khố dây” - chỉ hạng người cùng cực); một con người chữ nghĩa văn chương và một chiến sĩ tiền phong cách mạng. Cả ba nhân vật này đều có chung bốn đặc điểm, đó là: chất lý tưởng trong tâm hồn; sự trung kiên trong bản chất; sự khắc khổ trong sinh hoạt và sự cứng cỏi trong giao tiếp.



Có thể, trong nhiều trường hợp đó là sự so sánh khiên cưỡng, song nếu đem đối chiếu với ông Sơn thì đều đúng cả.



Thoạt nhìn, người ta dễ lầm tưởng là ông Sơn lạnh tính bởi gương mặt cương trực, rắn rỏi dưới mái tóc cắt ngắn, gọn ghẽ của ông. Song, khi đã “nhập chuyện” rồi, ông Nguyễn Trường Sơn luôn tỏ ra là người hồ hởi, xởi lởi. Đó cũng là một đặc tính đáng quý của người xứ Nghệ.


Rót nước mời khách xong, ông Nguyễn Trường Sơn kể rằng, năm 1945, cả nước ta nhà nào cũng khổ cực cả. Nhưng với riêng gia đình ông, ngoài nỗi cực khổ chung còn phải gánh thêm một cái tang lớn: người cha thân yêu của ông không may bị lâm bệnh nặng rồi qua đời, để lại người vợ và hai đứa con còn thơ dại. Bấy giờ, cả nhà ông chỉ có độc một sào ruộng, vì vậy mẹ ông quanh năm phải đi cấy lúa thuê. Chính cuộc sống khổ cực nơi quê nhà đã hun đúc trong ông lắm khát vọng, nhiều ước mơ, ý chí để đạt cho bằng được hai chữ “thành công”. Vậy nên sau này ông là người tiên phong trong mọi lĩnh vực được giao. Và nhờ ý chí có thể ví như sắt đá của người Nghệ, ông đã vượt qua mọi giông tố cuộc đời, có những khi tưởng như không vượt qua được. Bên ấm trà, ông đã kể cho tôi nghe những giông tố đời mình…




Năm 1965, ông Nguyễn Trường Sơn tốt nghiệp Trường trung cấp Cơ điện. Năm 1967, Bộ Cơ khí - Luyện kim cử ông sang Bungari học ngành thiết kế chế tạo biến thế và máy điện. Năm 1972, ông tốt nghiệp rồi trở về nước. Đến năm 1989, ông Sơn làm giám đốc Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu và Dịch vụ may thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Bắt đầu quãng thời gian này, nhiều rắc rối và tai ương đã ập đến với ông. Rắc rối đầu tiên vào năm 1985, bấy giờ ông là Phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hoàn Kiếm với thương vụ xuất khẩu 200 tấn cà phê sang CHDC Đức để đổi lấy 900 tấn hạt nhựa. Do ách tắc trong thủ tục giấy tờ và một số thay đổi trong chính sách của Nhà nước nên thương vụ này gần một năm sau mới thực hiện được. Bao thị phi, đồn thổi thất thiệt và tủi nhục, ông Sơn đều gánh chịu hết. Nhưng nhờ thương vụ này, ông Sơn đã làm lợi cho Nhà nước 72.000 USD và Công ty XNK Hoàn Kiếm đã dùng số tiền này nhập khẩu về toàn bộ dây chuyền để sản xuất mũ, giày xuất cho Liên Xô. Không dừng lại ở đó, ông còn gặp nhiều rắc rối khác trong làm kinh tế. Theo Nghị quyết 202 của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Trường Sơn được chuyển toàn bộ công ty nhà nước ra ngoài quốc doanh thành mô hình công ty cổ phần kinh doanh độc lập với tên gọi mới: Công ty Đầu tư và Du lịch Nghi Tàm, tiền thân của Tập đoàn Bảo Sơn. Những tưởng cuộc đời đã sóng yên biển lặng, song không ngờ ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn lại phải đối mặt với những sóng gió mới, nhưng với sự trong sáng và lòng tự tôn của bản thân, ông đã tự bảo vệ được mình khỏi đòn roi dư luận.


    Một góc Khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn

Bình tĩnh, sáng suốt giải quyết mọi rắc rối, oan trái, kiên trung với con đường đã chọn, bằng tài thao lược của mình, ông Nguyễn Trường Sơn đã từng bước chèo lái con thuyền Bảo Sơn đến bến đỗ vinh quang. Từ đôi bàn tay trắng, ông đã gây dựng nên một tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành nghề, hùng mạnh thuộc diện hàng đầu của Việt Nam với 10  công ty thành viên hoạt động chuyên nghiệp trên nhiều lĩnh vực: khách sạn, đào tạo, giải trí, du lịch lữ hành, đầu tư bất động sản và các dịch vụ hỗ trợ khác. Cả 10 công ty của Bảo Sơn đều làm ăn có lãi, trong đó Khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn là một điển hình. Tập đoàn Bảo Sơn đã đầu tư 1.700 tỷ đồng vào Thiên đường Bảo Sơn mà không phải vay vốn của ngân hàng. Mới đây, Tập đoàn Bảo Sơn đã mua lại toàn bộ Tập đoàn Bảo Long. Trong tương lai gần, Bảo Sơn sẽ xây dựng một trường cao đẳng y tế và một trại dưỡng lão tại Sơn Tây.



Những năm gần đây, Tập đoàn Bảo Sơn đặc biệt quan tâm đến công tác từ thiện với chi phí khoảng 10 tỷ đồng/ năm. Ông Nguyễn Trường Sơn còn sáng lập ra Quỹ Bảo Sơn với mục đích tài trợ, giúp những học sinh nghèo vượt khó, giúp các giáo viên, sinh viên Việt Nam sang học tập tại Nhật Bản và ngược lại. Hàng năm, Quỹ Bảo Sơn dành hàng chục ngàn USD cho các suất học bổng và các chương trình tài trợ khác. Khát vọng mà ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn hướng tới là Quỹ Bảo Sơn sẽ trở thành một quỹ lớn của quốc gia chứ không còn riêng của Tập đoàn Bảo Sơn nữa. Trong tương lai, mỗi năm Quỹ dành ra vài triệu USD để trao giải thưởng cho những người có đóng góp lớn đối với nền giáo dục Việt Nam và cho việc xóa đói, giảm nghèo. Ngoài ra, đối với quê hương xứ Nghệ mỗi khi gặp thiên tai, hạn hán, ông Sơn và gia đình cũng đã hết lòng giúp đỡ, hỗ trợ tiền của với khả năng cao nhất. Ông đã không ngần ngại khi đầu tư xây mới cho xã Nam Cường, là nơi ông sinh ra, một trường tiểu học và hỗ trợ 10 tỷ đồng cho huyện Nam Đàn thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo.



Với ông, xứ Nghệ mãi mãi gắn bó trong tâm khảm, và được giúp đỡ quê hương không chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm tự hào của người con xa xứ.



Khi được hỏi động lực nào đã giúp ông vượt qua được mọi sóng gió cuộc đời để gặt hái vô vàn những thành công như ngày hôm nay, ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn cười hiền khô: “Con người tôi từ xứ Nghệ mà ra !”.



Thế đó, tha hương gần cả cuộc đời, trải qua bao biến cố thăng trầm của đời sống cũng như thương trường, người con xứ Nghệ ấy vẫn âm thầm dành cho quê hương nỗi nhớ, tình yêu và sự biết ơn tận đáy lòng mình.


Phạm Gia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét