Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Kỳ III: 227,5 tỷ đồng mua được gì ?

Kỳ III: 227,5 tỷ đồng mua được gì ?

Xem tin gốc:

http://www.baomoi.com/Ky-III-2275-ty-dong-mua-duoc-gi/45/7005153.epi

(DVT.vn) - Bảo Sơn đã mua của Bảo Long những gì? Vì sao sau một thời gian dài, nay Bảo Long lại đòi thêm 125 tỉ đồng?

Bà Lê Thúy Hằng làm việc với báo DVT.

(DVT.vn) - Bảo Sơn đã mua của Bảo Long những gì? Vì sao sau một thời gian dài, nay Bảo Long lại đòi thêm 125 tỉ đồng?

Không phải Bảo Sơn mua toàn bộ Bảo Long

Loạt bài “Bảo Sơn - Bảo Long: Thật giả từ một thương vụ” trên báo DVT đã gây được sự chú ý đặc biệt của người trong cuộc và bạn đọc.

Tôn trọng ý kiến các bên; kỳ này chúng tôi đưa ý kiến của bà Lê Thúy Hằng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long về vụ việc đã nêu.

Với tư cách là Phó Tổng giám đốc Bảo Long, đồng thời là vợ ông Nguyễn Hữu Khai, trong buổi làm việc chính thức với báo DVT, bà Lê Thúy Hằng cho rằng, thông tin Bảo Sơn mua toàn bộ Bảo Long mà đại diện Tập đoàn Bảo Sơn cung cấp cho báo chí cách đây không lâu là không chính xác.

Viện dẫn từ “Hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu” số 01 ký ngày 3/3/2011, bà Hằng cho biết, nội dung Điều 1 bản Hợp đồng là Bảo Long đồng ý chuyển nhượng cho Bảo Sơn :

“ Bên A (Bảo Long) đồng ý chuyển nhượng và bên B (Bảo Sơn) đồng ý nhận chuyển nhượng 100% vốn cổ phần của các cổ đông (được ghi danh sách trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) và phần vốn góp bổ sung của các cổ đông với giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng cùng toàn bộ diện tích đất, tài sản xây dựng trên đất, bản quyền thương hiệu sản phẩm bao gồm các đơn vị sau:

1/ Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long;

2/ Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long;

3/ Trường phổ thông võ thuật Bảo Long.”

Như vậy là, kể cả việc sau này Bảo Long mua thêm Trường Trung cấp Y dược Bảo Long, Bảo Sơn chỉ mua của Bảo Long 4 cơ sở, chứ chưa phải là toàn bộ. Tập đoàn Bảo Long còn gần 10 công ty lớn nhỏ và các đại lý trong toàn quốc và quốc tế đang hoạt động.

Trừ vụ mua bán Trường trung cấp là mua đứt bán đoạn không có ý kiến gì; còn 3 cơ sở trên, bà Hằng cho rằng Bảo Sơn chưa trả hết tiền cho Bảo Long!

Bà Hằng tiếp tục viện dẫn Điều 2 của bản hợp đồng này đã ghi cụ thể số tiền 227,5 tỷ đồng (các số liệu trong bài viết được làm tròn) mà Bảo Sơn thanh toán cho Bảo Long mới chỉ bao gồm 2 khoản là: giá trị toàn bộ diện tích đất 53.000 mét (163,9 tỷ đồng) và giá trị công trình xây dựng trên đất (63,5 tỷ đồng).

Bà Hằng khẳng định số tiền 227,5 tỷ đồng này không bao gồm: 100% vốn góp của các cổ đông (27 tỷ đồng); Tiền chuyển nhượng cổ phần (5,1 tỷ đồng); Phần góp vốn bổ sung với giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng (86 tỷ đồng); Hạ tầng kỹ thuật (4,6 tỷ đồng); Cây cối hoa màu (2,3 tỷ đồng); Thương hiệu Công ty Cổ phần tập đoàn y dược Bảo Long; Bản quyền thương hiệu các sản phẩm thuốc của công ty Bảo Long; Thương hiệu bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long, Thương hiệu trường phổ thông võ thuật Bảo Long.

Và như vậy, chưa kể các khoản tiền thương hiệu khó đong đếm, tính toán, nếu chiếu theo hợp đồng chuyển nhượng 01 kể trên, Bảo Sơn còn thiếu của Bảo Long 125 tỷ đồng!

80 tỷ đồng và câu chuyện vay mượn

“Để đầu tư phát triển, Bảo Long có vay vốn một số ngân hàng và một vài nơi khác. Anh Sơn (ông chủ của Bảo Sơn) muốn khi Bảo Long - Bảo Sơn hợp tác với nhau, Bảo Long không còn nợ nần gì ai khác, nếu có nợ là nợ một nơi là Bảo Sơn thôi, nên đồng ý cho vợ chồng tôi vay tiền trả hết các khoản vay hiện có. Nhưng muốn được anh Sơn cho vay thì phải có tài sản thế chấp. Tài sản có giá trị còn lại duy nhất của Bảo Long khi ấy chỉ là đất gồm hơn 10.000 mét đất tại Hóc Môn - T.P Hồ Chí Minh và trên Sìn Hồ-Lai Châu” - bà Hằng kể.

Riêng hơn 10.000 mét đất tại Hóc Môn (T.P Hồ Chí Minh), năm 2007, theo biên bản định giá của công ty định giá thuộc Bộ Tài chính là hơn 70 tỷ đồng (Lời bà Hằng). Cộng với số đất ở Sìn Hồ, ngày 12-5-2011 Bảo Long thế chấp tài sản là giá trị đất để vay Bảo Sơn 80 tỷ đồng trả nợ ngân hàng. Hợp đồng vay vốn này giá trị ngắn và lãi suất là 1,75%/tháng.

Tuy nhiên theo bà Hằng, đến nay Bảo Sơn mới giải ngân chuyển cho Bảo Long 37,3 tỷ đồng. Số tiền này được chuyển thanh toán các khoản nợ ngân hàng của Bảo Long. Trong khi đó toàn bộ giấy tờ đất và tài sản ở hai cơ sở tại Hóc Môn và Sìn Hồ, Bảo Long đều đã giao cả cho Bảo Sơn. Số tiền còn lại không biết đến bao giờ mới được giải ngân nốt?

“Và giờ thì “Bảo Long chẳng còn gì”. Tài sản có giá trị lớn là đất đai nhà xưởng thì đều đã thuộc Bảo Sơn. Chẳng ai chịu cho Bảo Long vay trong bối cảnh này khi mà đang có tranh chấp. Mặt khác ai cũng nghĩ có khoản tiền 227,5 tỷ đồng Bảo Sơn trả, Bảo Long đang rất nhiều tiền. Nhưng thực tế số tiền ấy đều đã được trả cho các khoản vay ngân hàng để đầu tư trước đó”. Bà Hằng tâm sự.

Níu tình ?

Lý giải về sự “ngây thơ, cả tin”, bà Hằng cho rằng tất cả xuất phát từ sự tin tưởng vào tình cảm khăng khít, gắn bó có được từ nhiều năm giữa ông Khai và ông Sơn. Nguồn cơn của chuyện “mua bán” này bắt đầu từ ý định rất tốt đẹp là hợp tác đầu tư.

Tháng 2/2011 ông Sơn trong một lần đến thăm gia đình ông Khai đã đề nghị hợp tác với tập đoàn Bảo Long để nâng cao hơn nữa chất lượng cũng như vị thế của tập đoàn Bảo Long. Cụ thể, ông Sơn đưa ra lời hứa nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Bảo Long thành bệnh viện tiên tiến ngang tầm quốc tế; Đầu tư tài chính nâng cấp xưởng sản xuất Đông dược Bảo Long đạt tiêu chuẩn quốc tế GMP (Thực hành sản xuất tốt); Đưa trường phổ thông Võ thuật Bảo Long thành trường Phổ thông quốc tế…

Được lời như cởi tấm lòng, đúng như ước muốn của mình, lại trong bối cảnh kinh tế khó khăn, vợ chồng ông Khai, bà Hằng đã lập tức đồng ý. Bà Hằng nhớ lại: Mọi giấy tờ, hợp đồng, biên bản cứ thế tuồn tuột ra đời…

“Giờ mọi việc ra thế này vợ chồng chúng tôi cảm thấy rất tiếc”. Trao đổi với chúng tôi bà Hằng cho biết chỉ mong muốn hai bên có thể ngồi lại cùng giải quyết vấn đề trên cơ sở thấu tình, đạt lý. Bà Hằng khẳng định dù có thế nào vợ chồng chúng tôi cũng ghi nhận sự giúp đỡ rất đáng quý của anh Sơn trong bối cảnh chúng tôi đang gặp khó khăn về kinh tế, anh đã ra tay giúp.

Điều chúng tôi mong muốn nhất bây giờ là anh Sơn thực hiện đầy đủ cam kết, phát huy được thương hiệu Bảo Long. Như vậy không chỉ Bảo Long được lợi, mà cả xã hội cũng có lợi, bởi Tập đoàn Y dược Bảo Long là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực y tế, giáo dục, lĩnh vực đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, xã hội.

(Kỳ IV: Sự thật không sư, không vãi)

Bài và ảnh: Nhóm PV Pháp luật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét