Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Phần 6: Thương vụ Bảo Long - Bảo Sơn: Có dấu hiệu hình sự hóa?

Thương vụ Bảo Long - Bảo Sơn: Có dấu hiệu hình sự hóa?

Xem tin gốc:

http://yduocbaolong.vn/vi/tin-noi-bo/thuong-vu-bao-long-bao-son/a-10109/thuong-vu-bao-long---bao-son--co-dau-hieu-hinh-su-hoa.aspx

Báo Văn nghệ trẻ số: 23 Ngày 03/6/2012


CÓ DẤU HIỆU HÌNH SỰ HOÁ?

“Ông Nguyễn Hữu Khai, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Y dược Bảo Long (gọi tắt là Tập đoàn Bảo Long) đã gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng và báo chí đề nghị can thiệp “thương vụ mua bán vốn cổ phần, tài sản, bản quyền thương hiệu” giữa Tập đoàn Bảo Long và Tập đoàn Bảo Sơn đã được TAND TP. Hà Nội ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nhưng một cán bộ của tập đoàn Bảo Long vẫn bị khởi tố hình sự với những “lý lẽ” hết sức khó hiểu”.

ÔNG CHỦ TẬP ĐOÀN BẢO LONG “TỐ” TẬP ĐOÀN BẢO SƠN





Đầu năm 2011, ông Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Du lịch Bảo Sơn (gọi tắt là Tập đoàn Bảo Sơn) đến đặt vấn đề với Bảo Long “đầu tư xây dựng, nâng cấp một số đơn vị thuộc tập đoàn Bảo Long”, nhưng sau, ông Sơn lại thay đổi “không đầu tư xây dựng, nâng cấp” nữa, mà “hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần, tài sản, bản quyền thương hiệu doanh nghiệp”.
Ngày 03/3/2011, “hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu doanh nghiệp” (Hợp đồng số 01/CNVCP&TS/BL-BS) được hai bên ký kết): Tập đoàn Bảo Long đã thoả thuận nhượng cho Tập đoàn Bảo Sơn 3/15 đơn vị: (Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long; Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân Bảo Long; Trường Phổ thông võ thuật Bảo Long).

Tiếp theo, hai bên đã nhanh chóng tổ chức thực hiện hợp đồng, nhưng khi tiến hành đã vấp phải nhiều sự cố, theo đơn của ông Nguyễn Hữu Khai: “Ông Nguyễn Trường Sơn mới thanh toán cho Tập đoàn Bảo Long giá trị tổng diện tích đất và một số nhà xưởng, thì ông Sơn yêu cầu chúng tôi ký hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần để ông Sơn đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tiếp theo ông Sơn đã cho thay đổi toàn bộ các thành viên cũ của Tập đoàn Bảo Long, thành tên ông Sơn, vợ con ông Sơn, rồi hoàn tất giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, khắc dấu mới xong, thì ông Sơn ngang nhiên xù nợ”…! Cũng theo ông Nguyễn Hữu Khai, ông Sơn còn nợ Tập đoàn Bảo Long hàng ngàn tỷ đồng, nhưng ông Sơn lại nói là số tiền thanh toán tổng diện tích đất, nhà xưởng trên đất là bao gồm cả pháp danh thương hiệu và các khoản chuyển nhượng còn lại (?).Trước những ý kiến vô lý của ông Nguyễn Trường Sơn, Tập đoàn Bảo Long buộc phải lên tiếng bảo vệ, đề nghị ông Sơn phải xem xét lại các điều khoản của hợp đồng, nếu không sẽ không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng được, vì: Hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần, đất đai, nhà xưởng giữa “Bảo Long” với “Bảo Sơn” không tuân thủ quy chế, quy định của pháp luật, việc chuyển đất dự án thuê của Nhà nước chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; việc chuyển nhượng nhà, xưởng không viết hoá đơn, không có thủ tục mua bán hợp pháp; trong diện tích đất chuyển nhượng có cả đất nông nghiệp (Nhà nước cấm mua bán, chuyển nhượng) và có cả đất là chủ quyền của cá nhân (không thuộc đất của Tập đoàn Bảo Long); Đơn vị nhận chuyển nhượng là Công ty Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Du lịch Bảo Sơn, là đơn vị không có chức năng, nhiệm vụ, ngành nghề sản xuất thuốc và khám chữa bệnh theo quy đinh của pháp luật; việc thay đổi tên, đổi chủ Bệnh viện đa khoa tư nhân Bảo Long thành Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn, chưa được cơ quan quản lý Nhà nước về y tế phê duyệt là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về y tế; Bản hợp đồng do chính Tập đoàn Bảo Sơn soạn thảo, có điều khoản, câu chữ không đầy đủ, rõ ràng nên đã dẫn đến tranh chấp…! (Ý kiến của luật sư Vũ Mạnh Hùng – Đoàn luật sư TP. Hà Nội LSTP.HN phân tích tại buổi làm việc ngày 05/10/2011 với đoàn thanh tra tại Tập đoàn Bảo Long)

Xuất phát từ những nguyên nhân bất cập nêu trên, Tập đoàn Bảo Long đã nhiều lần đề nghị ông Nguyễn Trường Sơn bình tĩnh, xem xét có lý có tình hai bên cùng có lợi, để tránh mâu thuẫn gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cả hai tập đoàn. Thế nhưng, theo ông Khai, ông Nguyễn Trường Sơn không thèm đả động gì đến những ý kiến đề nghị của “Bảo Long” không thoả thuận, bàn bạc, đùng đùng làm đơn bịa đặt, bới lông tìm vết… gửi đến các cơ quan Công an Thị xã Sơn Tây, cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội, Đội quản lý thị trường số 14, Cục Thuế TP. Hà Nội, cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là trong bản tin thời sự của VTV1 đã phát sóng để bằng mọi cách thực hiện ý đồ mà ông Sơn và Trợ lý Nguyễn Tiến Lợi của ông đã từng buột miệng tuyên bố:“Bằng mọi giá phải khép Nguyễn Hữu Khai cùng một số cán bộ chủ chốt của Bảo Long vào tội hình sự để bỏ tù…”!(?).
Ngày 21/10/2011 ông Sơn lấy danh nghĩa một cổ đông mới phát đơn khởi kiện ông Nguyễn Hữu Khai – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Long ra toà dân sự TAND TP. Hà Nội. Nhận đơn của ông Sơn, ngày 02/12/2011 TAND TP. Hà Nội căn cứ Điều 174 Bộ luật Tố tụng Dân sự, đã ra thông báo số 972 thụ lý vụ án kinh doanh thương mại số 183 về việc “Tranh chấp thành viên công ty” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Trường Sơn, bị đơn là ông Nguyễn Hữu Khai. Thế nhưng, sau 4 tháng tranh luận tại toà, bỗng nhiên ngày 05/4/2012 ông Nguyễn Trường Sơn lại có “đơn đề nghị rút đơn khởi kiện”, với lý do: “Để chúng tôi có thêm thời gian củng cố thêm tài liệu, chứng cứ phục vụ giải quyết vụ án và có thêm thêm thời gian thoả thuận với bị đơn” (!?). Nhận đơn đề nghị rút đơn khởi kiện của ông Sơn, ngày 06/4/2012 TAND TP. Hà Nội căn cứ Điều 131, điểm C, khoản 1 Điều 192, khoản 3 Điều 193, Điều 194, khoản 2 Điều 245 Bộ luật Tố tụng Dân sự, ra Quyết định số 30 “Đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại”.

DẤU HIỆU “HÌNH SỰ HOÁ CÁC QUAN HỆ DÂN SỰ”

Trả lời báo chí về việc ông Sơn rút đơn khởi kiện với lý do “để có thời gian củng cố thêm tài liệu, chứng cứ phục vụ giải quyết vụ án và thoả thuận với bị đơn”, ông Nguyễn Hữu Khai cho biết” lý do ông Sơn rút đơn khởi kiện vì diễn biến vụ việc sẽ bất lợi cho chính ông ấy gây ra! Nếu hợp đồng chuyển nhượng giữa Tập đoàn Bảo Long và Tập đoàn Bảo Sơn bị tuyên vô hiệu thì của ai trả người nấy. Nhưng ông Sơn đã lỡ chiếm đoạt pháp danh, thương hiệu của Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long và Bệnh viện đa khoa tư nhân Bảo Long, giờ muốn trả lại Bảo Long cũng không được. Bời vì, thương hiệu là danh dự, là uy tín… Khi chiếm được ông Sơn đã cố tình để Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long bị phạt, bị thu giấy phép hoạt động, rồi công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là thông báo chương trình thời sự VTV1. Còn Bệnh viện đa khoa Bảo Long, ông Sơn đã đổi tên thành Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn và cho ngừng hoạt động… Giả sử Toà tuyên của ai trả về người nấy, thì Bảo Sơn còn gì trả lại cho Bảo Long? Cho nên ông Sơn rút đơn khởi kiện, nhằm kéo dài thời gian. Đồng thời tiếp tục “lối mòn”, vu oan buộc tội và tìm “cách” hình sự hoá vụ việc, chứ củng cố thêm chứng cớ, tài liệu ở đâu ra và làm gì có chuyện thoả thuận với bị đơn như ông Sơn nêu trong đơn.

Cũng theo ông Khai, hơn một năm qua, ông Sơn có gửi đơn vu khống, bịa đặt, đến nhiều cơ quan để rồi “Bảo Long” phải gánh chịu biết bao nhiêu những chuyện “tai bay vạ gió”: ngày 12/9/2011, đoàn kiểm tra liên ngành gồm: An ninh kinh tế, CA TP. Hà Nội; Sở Y tế Hà Nội, Đội quản lý thị trường số 14 cùng lúc đến kiểm tra, khám xét, thu toàn bộ tài liệu, sổ sách kế toán, hoá đơn chứng từ, nhân sự đưa lên ô tô chở về kho đội quản lý thị trường số 14 rồi phạt và “tước quyền sử dụng giấy phép”; suốt hơn 3 tháng, phòng An ninh kinh tế CA Hà Nội và Văn phòng Quản lý thị trường số 14, liên tục mời cán bộ chủ chốt cán bộ “Bảo Long” nên xét hỏi, đến nay họ vẫn chưa trả tài liệu thu giữ trước đây. Trước sự việc trên, Công ty TNHH Đông nam dược Bảo Long, làm đơn kiến nghị, chi cục Quản lý thị trường đã xem xét lại, kết luận: Công ty Đông nam dược Bảo Long chỉ vi phạm lỗi “bán hàng không đúng nơi đăng ký”. Ngày 21/11/2011 Chi cục QLTT Hà Nội ra quyết định số 00150011 “về việc sửa đổi, huỷ bỏ, đình chỉ thi hành quyết định xử phạt hành chính”, đồng thời trả lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc cho Công ty Đông nam dược Bảo Long. Còn, Sở Y tế Hà Nội, sau 3 lần thanh tra, nhưng thấy “Bảo Long” không có vi phạm như đơn tố cáo, đã ngừng việc điều tra. Riêng Phòng An ninh kinh tế CA. Hà Nội vẫn tiếp tục “tìm kiếm”, tra hỏi, đặc biệt nhiều tài liệu của “Bảo Long” bị thu giữ gần một năm nay vẫn chưa giao trả?.



Tiếp theo, ngày 05/11/2011 cơ quan CSĐT. CA Thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã ra quyết định số 187 khởi tố vụ án hình sự. Ngày 11/01/2012 cơ quan CSĐT CA TP. Hà Nội ra quyết định số 175 “khởi tố bị can” đối với ông Đặng Quang Tuất, sinh năm 1958 (không có ngày tháng sinh) về tội “huỷ hoại tài sản” được quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự vì đã có hành vi “thuê anh Nguyễn Tiến Đức và Nguyễn Văn Đọn phá dỡ 21,6m tưởng và chặt 05 cây xà cừ, 2 cây phượng vĩ của Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long, tại xã Cổ Đông, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ngày 27/4/2012, VKSND TP. Hà Nội ra quyết định số 450 “phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Quang Tuất theo Điều 143 Bộ luật Hình sự. Ngày 27/4/2012 cơ quan CSĐT CA. Hà Nội ra lệnh “cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với ông Đặng Quang Tuất (?).



Không đồng tình với quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Đặng Quang Tuất, Phó bí thư Đảng bộ kiêm Chánh văn phòng Tập đoàn Bảo Long về tội huỷ hoại tài sản của “Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long”, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long đã có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng và báo chí.

Phản đối “lý lẽ” của cơ quan điều tra, đơn khiếu nại của Tập đoàn Bảo Long khẳng định: 21,6m tường, 5 cây xà cừ, 2 cây phượng vĩ và một số tài sản khác chưa cụ thể của Bảo Long hay Bảo Sơn – vì tài sản đang trong quá trình xét xử vụ án tranh chấp tại TAND TP. Hà Nội. Còn, nếu số tài sản trên là của Bảo Long, thì việc ông Đặng Quang Tuất thuê người phá dỡ tường, chặt cây là nhiệm vụ, quyền hạn của Tập đoàn Bảo Long và ông Tuất, vì vậy cần phải xem xét lại việc khởi tố bị can.

Ngoài “lý lẽ” khởi tố bị can thiếu sức thuyết phục, cơ quan tiến hành tố tụng còn làm chưa đúng quy định của Pháp luật về thời hạn phê chuẩn quyết định khởi tố bị can. Khoản 4 Điều 126 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định “trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, cơ quan điều tra phải gửi quyết định khởi tố và tài liệu liên quan đến việc khởi tố bị can đó là viện kiểm sát cùng cấp để phê chuẩn việc khởi tố. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố bị can và gửi ngay cho cơ quan điều tra”, nhưng trong vụ việc này quyết định khởi tố bị can và quyết định phê chuẩn, quyết định khởi tố bị can cách nhau gần 4 tháng (từ ngày 11/01/2012 đến ngày 27/4/2012).

Và một sự thật chứng minh cho dấu hiệu hình sự hoá dân sự: ngày 21/10/2012 ông Sơn đã phát đơn khởi kiện và ngày 02/12/2011 TAND TP. Hà nội thụ lý vụ án “kinh doanh thương mại, tranh chấp thành viên công ty”, thế nhưng ngày 05/11/2011 cơ quan CSĐT CA Thị xã Sơn Tây vẫn ra quyết định khởi tố vụ án hình sự (?!)

Để pháp luật được thực thi đúng, cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương cần vào cuộc để giải quyết tận gốc vụ việc giữa Tập đoàn Bảo Long và Tập đoàn Bảo Sơn cũng như vụ việc có nguy cơ bị hình sự hoá mà tập đoàn Bảo Long đang lên tiếng.
                                                                                               TỔ PVĐT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét