Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Bảo Sơn “mắc nghẹn” khi “nuốt” Bảo Long?

Khi “ngó” bản hợp đồng số 01, một luật sư thuộc đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng có thể vì tin tưởng nhau ( bạn thân) nên khi ký hợp đồng này, cả Bảo Sơn và Bảo Long đã bỏ qua rất nhiều chi tiết quan trọng để có thể phân định đúng- sai khi tranh chấp xảy ra. Giờ tình thân đó không còn, để “nuốt” được Bảo Long, Bảo Sơn cũng có thể “mắc nghẹn” và Bảo Long cũng chưa chắc đã “vẹn toàn…





 Nguyên mẫu phim “đường đời” “sập bẫy kinh doanh” trong đời thực

Ngày 3/3/2011, ông Nguyễn Hữu Khai- TGĐ Tập đoàn Bảo Long và ông Nguyễn Trường Sơn- Chủ tịch HĐQT tập đoàn Bảo Sơn đã ký kết Hợp đồng số 01 “ chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm”. Theo đó,Tập đoàn Bảo Long phải chuyển nhượng cho Tập đoàn Bảo Sơn 100% vốn cổ phần của các cổ đông (được ghi danh sách trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nghiệp) và phần vốn góp bổ sung của các cổ đông với giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng cùng toàn bộ diện tích đất, tài sản xây dựng trên đất, bản quyền thương hiệu sản phẩm bao gồm 3 đơn vị thành viên đã nêu trên với tổng giá trị chuyển nhượng là 227,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Khai cho rằng việc chuyển nhượng này bắt nguồn từ mục đíchnâng cao hơn nữa chất lượng cũng như vị thế của tập đoàn Bảo Long. Bệnh viện đa khoa Bảo Long khi về với Bảo Sơn sẽ được nâng cấp thành bệnh viện tiên tiến ngang tầm quốc tế; Bảo Sơn sẽ đầu tư tài chính nâng cấp xưởng sản xuất Đông dược Bảo Long đạt tiêu chuẩn Quốc tế GMP (Thực hành sản xuất tốt); Đưa trường phổ thông Võ thuật Bảo Long thành trường Phổ thông Quốc tế…

Trường Võ thuật Bảo Long đã thuộc sở hữu của Bảo Sơn


Tuy nhiên, khi thực hiện hợp đồng, Tập đoàn Bảo Sơn đã quyết định thay đổi giấy phép kinh doanh của bệnh viện Bảo Long và đổi tên thành Bệnh viện Bảo Sơn (loại bỏ ngành nghề kinh doanh chính là Khám chữa bệnh và sản xuất thuốc y học cổ truyền); thay đổi toàn bộ thành viên HĐQT của bệnh viện; thông báo tạm dừng hoạt động của bệnh viện và ra quyết định đóng cửa tất cả các chi nhánh, cửa hàng, đại lý, đơn vị trực thuộc CTCP Tập đoàn Y dược Bảo Long; Riêng trường dạy Võ thuật bảo Long thì chỉ còn được phép sử dụng 1/3 cơ sở cũ.

Trước tình hình đó, ông Khai cho rằng Tập đoàn Bảo Sơn đã vi phạm nghiêm trọng những điều ký kết trong hợp đồng và còn nợ của Tập đoàn Bảo Long tới 125 tỷ đồng. Số tiền 125 tỷ còn nợ là các khoản tiền gồm: 100% vốn cổ phần của các cổ đông, phần vốn góp bổ sung của các cổ đông, hạ tầng kỹ thuật, vườn hoa cây cảnh và thương hiệu của 3 đơn vị ( Công ty y dược Bảo Long, Trường võ thuật Bảo Long, Bệnh viện Đa khoa Bảo Long).

Ông Khai “cáo buộc” tập đoàn Bảo Sơn đã lấy chiêu bài hợp tác đầu tư nâng cấp Tập đoàn Y dược Bảo Long để thực hiện mưu đồ kinh doanh khác. Vị Lương y- doanh nhân- nguyên mẫu phim “đường đời”- cho rằng mình đã “sập bẫy kinh doanh” khi hợp tác với tập đoàn Bảo Sơn.

“Người trong cuộc” phản pháo

Phát biểu tại Chương trình giao lưu kỷ niệm 20 năm thành lập tập đoàn Bảo Sơn( thực chất là cuộc họp báo có chọn lọc khách mời), ông Nguyễn Trường Sơn, chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn khẳng định Tập đoàn Bảo Sơn đã giúp đỡ Tập đoàn Bảo Long ( đang nợ nần chồng chất) bằng cách mua 100% vốn cổ đông của 3 công ty nói trên theo giá mà Bảo Long đề nghị : 227 tỷ đồng mà không hề thêm bớt.

Sau khi thanh toán 100% giá trị hợp đồng chuyển nhượng là 227 tỷ đồng, Tập đoàn Bảo Sơn tiếp tục cho Bảo Long vay bằng 2 hợp đồng khoán kinh doanh, đầu tư kinh doanh đảm bảo sản xuất với tổng giá trị 10 tỷ đồng. Lúc này, so với báo cáo ban đầu của Bảo Long là 286 tỷ thì số tiền vay mà Bảo Long còn phải trả là 286-237 tỷ = 49 tỷ đồng.

Ngày 4/5/2011 Tập đoàn Bảo Sơn lại nhận được một báo cáo tiếp theo của Bảo Long với số tiền vay tại thời điểm đó lên đến 145,7 tỷ đồng. Như vậy, so với báo cáo ban đầu nợ gốc đã tăng lên tới 141,7 tỷ- 49 tỷ = 96,7 tỷ đồng.

Tập đoàn Bảo Sơn lại ký tiếp 02 hợp đồng vay vốn cho Bảo Long vay 4,5 tỷ đồng và 80 tỷ đồng đã giải ngân được 41,8 tỷ đồng. Đồng thời tập đoàn Bảo Sơn đã mua lại Trường trung cấp Y dược Bảo Long với giá trị chuyển nhượng là 5 tỷ đồng. Hợp đồng vay vốn 80 tỷ đồng đã không được giải ngân tiếp “ vì chúng tôi nhận thấy có nhiều dấu hiệu không trung thực trong các báo cáo của Bảo Long cả về tổng số tiền họ nợ khách hàng và lãi suất hàng tháng mà Bảo Long phải trả cho các chủ nợ”, đại diện Tập đoàn Bảo Sơn cho biết.

Dừng cho vay, Tập đoàn Bảo Sơn tiếp tục tạo điều kiện cho Bảo Long sản xuất bằng cách cho Bảo Long thuê toàn bộ địa điểm mà Bảo Sơn đã mua của Bảo Long với giá 500 triệu đồng/ tháng. Theo đó, Bảo Long có toàn quyền sản xuất tiêu thụ sản phẩm và hưởng lợi, nhận toàn bộ công nhân viên trong 3 đơn vị đã bán để tổ chức sản xuất và kinh doanh.

Ngày 8/6/2011 giám đốc bệnh viện Bảo Sơn gửi thông báo cho ông Nguyễn Hữu Khai và cán bộ công nhân viên làm việc tại bệnh viện Bảo Long cũ với nội dung : những ai có nhu cầu sang làm việc tiếp tại Bảo Sơn thì sẵn sàng tiếp nhận nhưng Bảo Long ngăn cấm nên ngày 22/8/2011 đã xảy ra cuộc xô xát giữa nhóm nhân viên này và ông Nguyễn Hữu Khai.

Phía sau tình thân...


  Ngoài đời thực, ông Nguyễn Trường Sơn và ông Nguyễn Hữu Khai có mối quan hệ thâm giao lâu năm và được bạn bè kinh doanh đánh giá là đôi bạn có nhiều điểm tương đồng. Vậy nhưng, khi “cơm không lành, canh không ngọt”, tập đoàn Bảo Sơn đã cung cấp cho báo giới cả những bản tường trình do nhân viên cũ của Bảo Long viết với nội dung bị ông Nguyễn Hữu Khai mắng chửi và hành hung khi viết đơn xin sang Bảo Sơn.



Khi “ngó” bản hợp đồng số 01, một luật sư thuộc đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng có thể vì tin tưởng nhau ( bạn thân) nên khi ký hợp đồng này, cả Bảo Sơn và Bảo Long đã bỏ qua rất nhiều chi tiết quan trọng để có thể phân định đúng- sai khi tranh chấp xảy ra.Giờ tình thân đó không còn, để “nuốt” được Bảo Long, Bảo Sơn cũng có thể “mắc nghẹn” và Bảo Long cũng chưa chắc đã “vẹn toàn”.



Ngô Lâm






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét