Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Bài số 6 : Ăn tùy nơi, chơi tuỳ chốn



Tập đoàn Bảo Sơn - Ăn tùy nơi, chơi tuỳ chốn

Xem tin gốc:

http://www.cuuchienbinh.com.vn/index.aspx?Menu=1317&Chitiet=10393&Style=1







Đạo lý giáo huấn con người của cổ nhân hết sức khắt khe, chỉ những tiêu chí, đạo đức như tam cương, ngũ thường, tam tòng tứ đức, cũng đã đủ kỷ cương khuôn phép cho một cách sống không được buông thả theo ý thích của mình. Nhưng trong đời thường vẫn được nới giãn bằng những thành ngữ như “ăn tùy nơi, chơi tùy chốn”. Trong mưu sinh hưởng thụ có muôn vàn cung cách, hay có, dở có, tốt có, xấu có... Nhưng đôi lúc kẻ phạm lỗi vẫn được lượng thứ bởi hoàn cảnh, bởi điều kiện, bởi nơi chốn hành xử, không nằm trong phạm vi cấm kỵ!...

Tuy nhiên, chẳng phải ai cũng có ý thức, cũng biết điều. Thiên hạ lắm kẻ “được đằng chân lân đằng đầu”, cậy thế, cậy tiền đè nén, trấn áp, bất chấp đối tượng, ăn được là ăn, chơi được là chơi, giết được là giết, với bộ mặt lạnh tanh vô cảm!

Vừa hôm qua tôi cảm kích đến não lòng trước một hình ảnh trong nhà mình. Mẹ tôi đã thượng thọ 80 tuổi, cái tuổi ấy cụ cũng đã giảm bớt sự quan tâm đến chuyện đời. Ấy vậy mà mẹ tôi khóc, cụ khóc nấc lên, nước mắt lã chã, hai bàn tay lau không xuể, phải kéo vạt áo lên để thấm.

Mẹ ơi, sao vậy? Mẹ tôi nghẹn ngào từng tiếng: “Cái ông thầy thuốc trong phim “đường đời” sao khổ mãi thế. Mà sao người ta ác thế?...”. Đứa cháu ngoại gấp tờ báo lại thanh minh: Con chỉ đọc báo cho bà nghe thôi ạ. Tôi đón tờ báo từ tay cháu - báo Đại đoàn kết số ra ngày 29-9-2011 có bài “Nguyễn Hữu Khai, 60 năm gặp gỡ chưa xong phận mình…”. Tôi đọc một mạch hết trang viết. Phải rồi, mẹ tôi khóc thương hoàn cảnh, cuộc đời Nguyễn Hữu Khai, một người rưng nước lã nhưng thật đáng đồng cảm và chia sẻ. Tôi lấy nước cho mẹ uống rồi cụ chậm rãi kể thêm nhiều tình tiết mà các số trước báo đã đăng…

Tại sao vậy nhỉ? “Bảo Long” thì ai chẳng thân thiện, “Bảo Sơn” thì mấy ai không biết! Nhưng cái ngưỡng chưa quá thì mọi sự vẫn có thể nằm trong yên lặng!

Nơi này người ta hành nghề y dược chữa bệnh cứu người. Tận tụy chăm lo giáo dưỡng học sinh. Là điểm sáng của công tác xã hội hóa, an sinh cộng đồng mà sao lại nỡ làm như thế, lại ngang ngược, lại tàn nhẫn như hành xử với kẻ thù vậy?!

Ngày 23-8-2011, tôi cũng được Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn gửi thư mời tới dự với lý do là chuẩn bị lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập. Cả một hội trường rộng, rất đông anh chị em đại diện cho hơn bốn chục cơ quan truyền thông, báo chí, đã được nghe, được phát tài liệu và cả tặng quà. Nhưng tôi không thể viết gì, nói gì như họ mong muốn và từ đó tới nay, đã được hơn một tháng, các bạn đồng nghiệp của tôi cũng thấy lặng thinh…!

Sự vụ giữa “Bảo Long” và “Bảo Sơn” ngày càng căng thẳng tới mức không thể ngồi lại với nhau. Bảo Long đã chuyển đi, nhường cơ sở cho Bảo Sơn để “cải tạo, nâng cấp” nhưng nay lại chuyển về. “Bảo Sơn” bằng kinh nghiệm già dặn của mình, ngăn chặn khống chế… nhưng “con rồng từ đất chui lên” ấy, vẫn bình tĩnh như đất, vẫn rắn như đất, vẫn dày như đất và vẫn bền như đất...!

Dược sĩ Nguyễn Thị Nga, trợ lý Tổng giám đốc phụ trách quản lý tài sản, cơ sở vật chất của Tập đoàn Y dược Bảo Long tâm sự: “Ông Nguyễn Trường Sơn đã bội ước không hợp tác, đầu tư nâng cấp “Bảo Long” nhưng lại vội vã thay tên đổi chủ, xóa bỏ chức năng sản xuất thuốc và khám chữa bệnh trong giấy đăng ký kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long, khiến cho tất cả các sản phẩm thuốc được Bộ Y tế cấp giấy phép sản xuất bị vô hiệu, rồi lại mang danh nghĩa Chủ tịch Hội đồng quản trị, ra lệnh đóng cửa tất cả các chi nhánh, cửa hàng, đại lý thuốc của Bảo Long trên toàn quốc. Nếu không mặn mà với ngành y dược thì cứ mua đất, mua nhà để “Bảo Long” chuyển chức năng y dược sang đơn vị khác. Việc gì ông ấy phải loại trừ hết CBCNV Bảo Long và huỷ hoại một cách lãng phí như vậy. Tất cả những gì nói trên cũng là của cải, cũng là tiền bạc chứ. Đối với thầy em - TS Nguyễn Hữu Khai luôn kính trọng và tuân thủ mà ông ấy cũng sát phạt, loại trừ...

Thầy em xây dựng biết bao nhà xưởng và nhà ở tập thể cho CBCNV nhưng chẳng chịu xây nhà riêng cho gia đình. Cứ bảo ở chung với anh em cho vui, thế rồi lỡ ký bán cơ sở cho ông Sơn mới tính xây nhà riêng. Mấy tháng trước, ông Sơn bảo sang năm mới cải tạo tới khu gia đình thầy em ở, nhưng vừa nói xong mấy tuần ông ấy đã đổi ý. Tối hôm ấy, thầy em phải nhờ người tới cúng tạ lỗi với tổ tiên, ông bà để chuyển bàn thờ đi. Lúc này nhà mới thì chưa xây xong, em hỏi chuyển các cụ tới thờ ở đâu, thì thầy bật khóc… Chưa thấy bao giờ thầy em lại khóc nhiều như vậy. Rồi hôm sau bằng Văn bản số 105/2011/CV-GĐ, ông Sơn ra lệnh: “…Bàn giao trong ngày 27-6-2011 mặt bằng khu nhà 10 tầng và khu nhà 5 tầng cho đơn vị thi công”. Nhận được công văn, chúng em bàng hoàng nhẩm tính bây giờ là 9 giờ 30 phút tới 00 giờ 00 phút, còn 14 giờ 30 phút mà phải chuyển toàn bộ hệ thống quản lý, điều hành, kỹ thuật, kiểm nghiệm, bàn ghế, giường tủ, kho tàng, hàng hóa của 10 tầng và chuyển toàn bộ hệ thống máy móc, y cụ, giường bệnh của Bệnh viện Bảo Long trong 5 tầng thì chỉ ném đồ ra cửa cũng không kịp, nhưng vẫn phải chấp hành. Tổng giám đốc cho tạm ngừng tất cả các bộ phận sản xuất, kinh doanh, khám chữa bệnh và thuê thêm cả người ngoài để dọn nhà. Thời tiết hôm ấy lại không ủng hộ, cứ mưa tầm tã. Anh chị em công nhân nước mắt lẫn nước mưa, áo quần ướt sũng. Dọn cả đêm tới 10 giờ sáng hôm sau mới gần xong. Tổng giám đốc chỉ đạo thông báo với cán bộ hành chính của Bảo Sơn là: Chúng tôi đã sẵn sàng bàn giao, còn một số đồ giá trị thấp chấp nhận vứt bỏ. Đầu giờ chiều mới thấy cán bộ chuyên viên của Bảo Sơn tới lại trách thầy Khai: “Sao chuyển hết giảng đường, phòng thí nghiệm và bệnh viện gom lại thế này thì đầu tháng 7, Bộ Y tế và Bộ GDĐT” lên thẩm định làm sao đạt?. Rồi sau đó ông Sơn lại yêu cầu không chuyển nữa, những gì đã chuyển đi nay lại đưa về chỗ cũ. Thầy Khai lại động viên toàn thể anh em chấp hành chỉ đạo của “Chủ tịch Hội đồng quản trị”. Ông Sơn hứa sẽ bồi dưỡng cho anh chị em 50 triệu đồng nhưng số tiền đó chả bao giờ có được!...

Với Bệnh viện đa khoa Bảo Long, tuy nhỏ nhưng là một thương hiệu độc đáo bởi uy tín về hiệu quả điều trị và y đức của nó, kể cả các bác lãnh đạo T.Ư Đảng và Nhà nước ta cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Lào, Cam-pu-chia cũng tin tưởng tới khám chữa bệnh. Nhiều ca điều trị kết quả mà các phương tiện truyền thông ca ngợi là những điều kỳ diệu. Bệnh nhân từ mọi miền đất nước và cả Việt kiều cũng tìm về chữa bệnh. Hàng ngày 24/24 giờ, chúng tôi tận tụy, chăm lo khám chữa bệnh và cấp cứu giữ gìn sinh mệnh và sức khoẻ cho hàng trăm người. Thế mà ông Sơn nỡ lấy con dấu đi. Không hiểu ông ấy có biết con dấu quan trọng như thế nào đối với bệnh viện không? (Nếu không có con dấu, chúng tôi không đủ điều kiện để chuyển tiếp cấp cứu cho bệnh nhân, không đủ điều kiện chứng nhận sức khoẻ cho bệnh nhân, không làm thủ tục ra viện được, không làm thủ tục thanh toán chế độ BHYT được, không làm chứng từ mua thuốc và không làm thủ tục đóng thuế được…). Thế rồi ông ấy lại còn đổi tên Bệnh viện Đa khoa Bảo Long thành Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn, thay hết thành viên trong đăng ký kinh doanh thành tên ông cùng vợ, con của ông ấy. Đây là một việc làm trái với nguyên tắc và trái với Luật Doanh nghiệp. Tại cuộc họp do Sở Y tế TP Hà Nội triệu tập để giải quyết về việc này, ông Sơn đã nhận ra lỗi của mình và hứa sẽ làm trả lại tên và con dấu cho Bệnh viện đa khoa Bảo Long. Nhưng sau một tháng ông ấy thay lời hứa bằng văn bản cho Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn ngưng hoạt động...

Ông Sơn công bố trước cơ quan truyền thông, báo đài đã hoàn thành chuyển nhượng 100% vốn cổ phần của Tập đoàn Y dược Bảo Long (thực ra hai bên chỉ ký hợp đồng nhượng ba đơn vị trong số 12 đơn vị thuộc Tập đoàn Y dược Bảo Long). Việc công bố lấp lửng này khiến cho nhiều cổ đông của Tập đoàn Y dược Bảo Long hoang mang và tìm đến đòi rút cổ đông, gây khó khăn không nhỏ cho Bảo Long. Trong hợp đồng chuyển nhượng, ông Sơn không chịu thanh toán tiếp các khoản như đã ký kết; lấy lý do là chưa thoả thuận việc tính giá các khoản và đưa ra giải pháp bằng cho Bảo Long vay 80 tỷ đồng để trả tiền cổ đông và làm vốn lưu động. Việc cho vay này là để giữ hết giấy tờ chủ quyền, đất cát, nhà cửa của các đơn vị Tập đoàn Y dược Bảo Long (thông qua công chứng Nhà nước để làm thủ tục định đoạt cho ông Sơn). Thế rồi ông Sơn giữ hết giấy tờ chủ quyền đất cát, nhà cửa của Bảo Long và chỉ giải ngân 37 tỷ đồng, khiến cho Bảo Long cạn kiệt tài chính không còn cách nào vay mượn…

Tới nay, thầy trò chúng tôi không chấp nhận nhượng bộ với Tập đoàn Bảo Sơn nữa và thực hiện theo cái lý ở đời, để khôi phục lại mọi hoạt động của mình…”.

Tôi còn được nghe nhiều tâm sự khác của Chủ tịch Công đoàn Bảo Long, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông võ thuật Bảo Long, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bảo Long… nhưng không đủ điều kiện để nói hết. Mong rằng trong lối làm ăn của mình, “Bảo Sơn” nên cân nhắc tùy nơi, tùy chốn...!

Minh Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét