Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Bài số 5: Bảo Sơn “nuốt” Bảo Long, chiêu thức tinh xảo nhưng “mắcnghẹn”. Kỳ cuối

      Bảo Sơn “nuốt” Bảo Long, chiêu thức tinh xảo nhưng “mắc nghẹn”. Kỳ cuối



Theo báo Người Cao Tuổi số ra ngày Thứ Sáu, 21/10/2011

Xem tin gốc:

http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=7&ID=6806





2. Triệt hại bằng tài chính


Cử nhân Vũ Văn Hùng, Kế toán trưởng Tập đoàn Y dược Bảo Long tâm sự: Khi biết Công ty Đông Nam dược Bảo Long tại thành phố Hồ Chí Minh (một thành viên thuộc Tập đoàn Y dược Bảo Long, là đơn vị chủ lực, tiền thân là Xí nghiệp đời sống của Công an thành phố Hồ Chí Minh, được xây dựng từ năm 1990), đang thế chấp hồ sơ đất đai, nhà xưởng để vay ngân hàng Hóc Môn 37 tỉ đồng. Trong khi giữa Bảo Sơn và Bảo Long có nhiều khoản chưa thống nhất được việc định giá mà Bảo Long thì rất cần tiền để trả nợ ngân hàng và trả các cổ đông, ông Sơn muốn khi Bảo Long – Bảo Sơn hợp tác với nhau, Bảo Long không còn nợ nần gì ai khác. Nếu có nợ thì chỉ nợ Bảo Sơn thôi. Vậy nên ông Sơn đồng ý làm Hợp đồng cho Bảo Long vay 80 tỉ đồng với lãi suất 1,75% mỗi tháng, được bảo đảm bằng USD, số tiền trên “Bảo Long” sẽ thanh toán hết cho ngân hàng, trả hết cho cổ đông và nâng cấp xưởng sản xuất Đông dược.


Theo hợp đồng đã kí, ông Sơn cử Giám đốc Tài chính là bà Phan Thị Thu Hà cùng bà Lê Thuý Hằng, Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Y dược Bảo Long mang 37 tỉ đồng vào Hóc Môn – TP Hồ Chí Minh trả nợ ngân hàng và rút toàn bộ hồ sơ thế chấp ra giao cho bà Hà (bộ hồ sơ khuôn viên này gồm hơn chục bìa đỏ gộp lại). Ông Sơn yêu cầu tất cả những người trong đại gia đình thầy Khai đứng tên trong bìa đỏ là: Vợ, chồng, con trai, gái, anh em, dâu rể… của thầy Khai tới phòng công chứng nhà nước để kí việc định đoạt tài sản thế chấp trên cho ông Sơn. Giá trị bộ tài sản thế chấp này từ năm 2008 theo chứng thư của Công ty Kiểm toán định giá phía Nam thuộc Bộ Tài chính là 70,2 tỉ đồng nhưng đến nay do mở rộng đường sá và quy hoạch khu dân cư nên giá trị giao dịch lên đến gần 200 tỉ đồng. Bộ hồ sơ thế chấp trên đã được đưa vào két sắt tại phòng làm việc của ông Sơn nhưng số tiền còn lại (80 tỉ – 37 tỉ = 43 tỉ), ông Sơn chưa giải ngân tiếp (mặc cho chúng tôi nhiều lần đề nghị). Trong lúc chờ giải ngân tiếp, ông Sơn đưa ra rất nhiều văn bản như dử mồi. Lãnh đạo Tập đoàn và thành viên HĐQT chúng tôi đã kí nhưng cuối cùng ông Sơn vẫn không giải ngân tiếp. Thầy Khai đã phải làm công văn chính thức đề nghị thì được ông Sơn trả lời bằng văn bản là chỉ cho vay thế thôi.





Võ sư Nguyễn Hữu Khai biểu diễn võ thuật tại Hội làng (Quê hương). 


Trong văn bản, ông Sơn áp đặt không đúng trong hợp đồng vay vốn. Tới nay chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, những tài sản có giá trị để thế chấp vay vốn đều đã trong tay Bảo Sơn. Tám khoản còn lại trong Hợp đồng chuyển nhượng thì Bảo Sơn không tiếp tục thanh toán. Thiếu vốn sản xuất kinh doanh, không còn cách nào vay mượn. Bạn bè, anh em thì cứ nghĩ đã nhận 227,5 tỉ đồng của Bảo Sơn đang rất nhiều tiền. Nhưng thực tế số tiền ấy do ông Sơn muốn khi giữ cương vị Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Y dược Bảo Long thì không còn nợ nần gì, nên yêu cầu chúng tôi chịu sự giám sát của cán bộ tài chính Bảo Sơn thanh toán các khoản nợ (không được chủ động trong việc sử dụng số tiền này). 227,5 tỉ đã hết, nhưng vẫn còn một số cổ đông chưa trả được. Lúc này ông Sơn công bố trên VTV và trước đại diện hơn 40 cơ quan truyền thông là đã hoàn tất việc chuyển nhượng 100% Tập đoàn Y dược Bảo Long. Đây là một thủ đoạn vô cùng thâm độc gây hiệu ứng để tất cả cổ đông cùng lúc tới Bảo Long đòi rút vốn và những người đang cho Bảo Long vay, trong đó có khoản vay 10 tỉ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam gấp rút đòi nợ. Nếu không trả nợ được (đặc biệt là khoản vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam thì trong tình thế này thầy Khai có thể bị Cơ quan Cảnh sát điều tra bắt giữ…!). Khi quả tim của Bảo Long bị nhốt trong tù thì Bảo Long ắt sẽ tử vong…! Nhưng rất may cổ đông đều là những anh em, bạn bè vì quý mến, vì trân trọng nhân cách của thầy Khai mà góp vốn xây dựng Bảo Long. Số tiền 10 tỉ đồng vay của Ngân hàng Phát triển đã được bạn bè cho mượn để tất toán… (Quả là: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên)…

Cử nhân Nguyễn Thị Hoa Nụ, Trưởng phòng Tài chính Tập đoàn Y dược Bảo Long xúc cảm nghẹn ngào lí giải về sự ngây thơ, cả tin của Bảo Long và cho rằng tất cả xuất phát từ sự thân quen từ nhiều năm giữa ông Sơn với Tổng giám đốc của mình (ông Sơn được thầy Khai chữa khỏi bệnh rồi từ đó hai người có mối quan hệ thân hữu). Sự kiện đầu tư nâng cấp Bảo Long như “trời hạn gặp mưa” chúng tôi mừng lắm! Hàng nghìn CBCNV và học sinh hết sức phấn khởi, bạn bè khắp nơi gửi thư chúc mừng. Sau đó, từ biên bản ghi nhớ rồi đến các biên bản, hợp đồng chuyển nhượng mua bán cứ thế tuồn tuột ra đời. Ông Sơn bảo gì chúng tôi cũng làm theo “tính thầy Khai khi đã thọ ơn, đã chấp thuận quy phục ai là toàn tâm, toàn ý bất chấp thiệt hơn, sống chết”. Nhưng rồi hợp tác phát triển chẳng thấy đâu chỉ thấy những cán bộ chủ chốt của Bảo Long bị loại dần rồi đến CBCNV phải nghỉ việc, trường học không đủ điều kiện nhận học sinh.


Chúng tôi rất đau lòng, chỉ mong hai bên bình tâm nghĩ lại để có thể ngồi với nhau giải quyết vấn đề trên cơ sở thấu tình đạt lí. Dẫu sao chăng nữa thì chúng tôi cũng không thể quên được ân huệ về sự giúp đỡ hào hiệp của ông Nguyễn Trường Sơn trong những buổi đầu. Chúng tôi rất muốn sự việc được giải quyết sớm. Nếu Bảo Sơn quyết tâm thực hiện việc chuyển nhượng thì nên bàn bạc, thoả thuận giá cả thanh toán cho xong để Bảo Long bàn giao cơ sở và kí thanh lí hợp đồng. Hoặc nếu đổi ý thì chúng tôi cũng có doanh nghiệp khác chấp nhận thay “Bảo Sơn” hợp tác đầu tư xây dựng về Y dược, giáo dục, đào tạo thật sự và có thể thanh toán tiền lại cho Bảo Sơn. Điều mong muốn nhất của chúng tôi bây giờ là mong ông Sơn thực hiện đúng những gì đã kí kết trong hợp đồng.


3. “Mắc nghẹn” và nguy cơ “ngạt thở”


Khi thay tên đổi chủ, loại hết thành viên cũ của Bảo Long ra khỏi danh sách đăng kí doanh nghiệp Bảo Sơn họ tưởng đã ngậm gọn được Bảo Long và vươn cổ “nuốt”…! Nhưng than ôi! Câu chuyện đã không thể kết cục có hậu cho họ mà còn đầy gai góc “ân oán giang hồ”…! Bảo Sơn chưa thể nói là đã hoàn tất việc chuyển nhượng Bảo Long bởi: Về tình thì không sòng phẳng. Về lí thì lướt qua quy định bắt buộc của pháp luật. Ngày 5-10-2011, Thanh tra TP. Hà Nội làm việc tại Tập đoàn Y dược Bảo Long, luật sư Vũ Mạnh Hùng phân tích: – Hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và đất đai nhà xưởng của Bảo Long với Bảo Sơn soạn thảo và thực hiện không tuân thủ quy chế, nguyên tắc luật pháp; – Việc chuyển nhượng đất dự án thuê của Nhà nước chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; – Việc chuyển nhượng cổ phần chưa tính giá trị thực của cổ phiếu khi chuyển nhượng, chưa thông qua đại hội đồng cổ đông; – Việc chuyển nhượng (bán nhà, xưởng) không viết hóa đơn, không có thủ tục mua bán hợp pháp; – Trong tổng diện tích đất chuyển nhượng có cả đất nông nghiệp (Nhà nước cấm mua bán, chuyển nhượng) và có cả đất là chủ quyền của cá nhân không thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long; – Việc thay tên, đổi chủ Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long thành Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Sơn chưa được ngành y tế phê duyệt và đơn vị cũ chưa quyết toán thuế Nhà nước và chưa hoàn tất việc thanh toán công nợ… – Chữ nghĩa văn bản nhiều điều khoản không rõ ràng dẫn tới tranh chấp…! Với hợp đồng mua bán chuyển nhượng thì phải có hoá đơn, phải có văn bản bàn giao, phải có văn bản thanh lí hợp đồng… Thế mà Bảo Sơn đã vội vã chộp giật, xoá sổ đối tác. Nếu muốn hoàn tất thì một việc không thể thiếu được là phải trả lại giấy đăng kí doanh nghiệp cũ cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long và Bệnh viện đa khoa Bảo Long để ông Nguyễn Hữu Khai cùng Hội đồng quản trị, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bảo Long đủ điều kiện pháp lí kí biên bản bàn giao và kí thanh lí hợp đồng cho Bảo Sơn. Chẳng nhẽ những văn bản trên Bảo Sơn lại tự kí với mình?


Bảo Sơn trong tình thế “Tiến thoái lưỡng nan”, thực hiện chuyển nhượng tiếp thì khó thương lượng những giá trị còn lại mà bỏ thì khó lấy lại tiền…! Trong những chiêu thức phòng thủ thì thế “Hồi mã thượng” là một chiêu biến yếu thành mạnh, biến thua thành thắng và cực kì lợi hại. Tuy nhiên không phải ai cũng dùng được. Bảo Long đã nhũn, đã mềm như nước, đã “cưa sừng làm nghé”, đã ghé lưng cõng đối tác, chịu nhẫn, chịu nhục tới cùng cực. Lầm lũi rút quân, nhưng đột nhiên phản thế! Bởi: “cùng tắc biến, cực tắc phản”. Ông Khai cứ lừng lững “giả dại qua ải” chứ đâu phải loại dễ chơi. Một con người văn võ song toàn đã từng gây dựng cả một cơ nghiệp Y dược, võ thuật và giáo dục đào tạo vào loại đứng đầu cả nước, bên ông lại có hàng trăm đệ tử một dạ sống chết vì Thầy. Nếu không tận mắt chứng kiến võ sư Nguyễn Hữu Khai biểu diễn võ thuật nội công thì không thể tin được rằng: Ông để mình trần cho các đệ tử đóng hàng chục đinh thép to như cái đũa lên cơ bắp rồi cho đập hàng chục vỏ chai bia vào đầu, đâm thương vào yết hầu, vào bụng nuốt hai cây kim đã xỏ chỉ rồi vận công đẩy kim ra ngoài da bụng. Người thế thì đánh cách nào cho sợ, doạ kiểu gì cho khiếp…? Điều này “Bảo Sơn” hơn ai hết đã biết, đã có biện pháp khống chế. Nhưng với lối “chiến tích đánh đông dẹp Bắc, tới đâu thắng đó” khiến Bảo Sơn chủ quan, cậy thế, cậy tiền, không ý tứ, không chọn nơi, chọn chốn, coi thường đối thủ và xem thường cả công chúng dư luận. Chà đạp lên luân thường đạo lí. Triệt hại cả nơi người ta hành nghề Y dược, chữa bệnh cứu người và cần mẫn tận tụy giáo dưỡng thế hệ trẻ. Nơi điển hình của công tác xã hội hóa, làm từ thiện.


Bảo Sơn cũng đã biết yếu huyệt của Nguyễn Hữu Khai rồi đấy, nên từ hiệp đầu đã dùng chiêu: “phóng tài hoá thu nhân tâm”. Ban ân huệ cho Nguyễn Hữu Khai, ru ngủ Nguyễn Hữu Khai và “xỏ mũi” Nguyễn Hữu Khai. Nhưng có lẽ chiêu thức này Bảo Sơn mới dùng lần đầu nên đã vội vã sốt ruột rồi lại chuyển sang sở trường cũ… Bởi thế mới dính đòn “Hồi Mã thượng”. Bởi thế, mới “mắc nghẹn” trong nguy cơ “ngạt thở”..!


Phóng sự của Trần Đức Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét