Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Bài số 3: Tập đoàn bảo Long - Mất công ty thương hiệu vì nhẹ dạ cả tin.Kỳ cuối: Bi kịch thương trường

   Tập đoàn bảo Long - Mất công ty thương hiệu vì nhẹ dạ cả tin. Kỳ cuối: Bi kịch thương trường

Theo báo Đại đoàn kết






Xem tin gốc:

http://yduocbaolong.vn/vi/tin-noi-bo/thuong-vu-bao-long-bao-son/a-9456/mat-cong-ty-thuong-hieu-vi-nhe-da-ca-tin--ky-cuoi--bi-kich-thuong-truong.aspx






Từ mục đích ban đầu là mong muốn hợp tác mở rộng, nâng cao uy tín, với hy vọng đưa sự nghiệp giáo dục, khám chữa bệnh và sản xuất thuốc y học cổ truyền, võ thuật Việt Nam ngang tầm quốc tế, đến nay, hy vọng của Lương y, TS. Nguyễn Hữu Khai nguy cơ đổ vỡ. Thật đau lòng khi chính ông phải ký quyết định cho những cán bộ, học sinh, thầy thuốc gắn bó bao năm với mình phải nghỉ việc, thuyên chuyển… Võ học, những thành tựu y học cổ truyền do Lương y Nguyễn Hữu Khai bao năm gây dựng sẽ đi về đâu?

Ngày 8-6-2011, tại khách sạn Bảo Sơn đã diễn ra cuộc họp giữa Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn (Tập đoàn Bảo Sơn) đơn vị chủ sở hữu Công ty cổ phần Tập đoàn y dược Bảo Long- do ông Nguyễn Trường Sơn là Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT và Công ty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long do ông Nguyễn Hữu Khai làm giám đốc. Đôi bên đi đến thống nhất: Cho ông Nguyễn Hữu Khai thuê lại một phần diện tích như khu văn phòng làm việc, khu sản xuất thuốc và các nhà kho; khu khám chữa bệnh nhà 5 tầng; 1/3 diện tích khu giảng đường… tổng giá thuê là 500 triệu đồng/tháng. Công ty cổ phần Tập đoàn y dược Bảo Long (đã chuyển nhượng) chuyển nhượng 15 sản phẩm thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép sản xuất cho Công ty Đông Nam Dược Bảo Long với giá tiền 300 triệu đồng. Cũng tại cuộc họp này, “giao ông Nguyễn Hữu Khai” phải “tiến hành thanh lý hợp đồng” tất cả các CBCNV các Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long, Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long để chuyển họ ký hợp đồng với Công ty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long… Bảo Sơn đã yêu cầu Bảo Long phải thanh lý, hoặc ký lại hợp đồng lao động cho tất cả các CBCNV đã ký hợp đồng với các Công ty của Bảo Long (tức chuyển trả hết CBCNV các công ty đã chuyển nhượng về cho Bảo Long)…
Ngày 9-6-2011, Võ sư Nguyễn Hữu Khai, quyền Hiệu trưởng trường phổ thông Võ thuật Bảo Long đã phải ký thông báo tạm ngừng tiếp nhận học sinh ngoại trú, chỉ vì “chật chội, không đủ điều kiện phục vụ”. Cũng trong ngày 9-6, Quyền giám đốc Nguyễn Hữu Khai phải ký thông báo “không nhận bệnh nhân điều trị nội trú” cũng vì “không đủ điều kiện để phục vụ”. Ngày 10-6-2011, Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Khai phải ký quyết định cho 87 CBCNV của Công ty cổ phần Tập đoàn y dược Bảo Long “tạm thời nghỉ việc”. Đồng thời ngày 15-6-2011, Lương y Nguyễn Hữu Khai cũng phải ký quyết định cho 29 CBCNV Bệnh viện đa khoa Bảo Long “tạm thời nghỉ việc”. Buồn thay, khi Bệnh viện đa khoa Bảo Long, với uy tín về y đức, chuyên khoa y học cổ truyền đang chữa trị cho những bệnh nhân nặng, tứ chứng nan y từ mọi nơi dồn về bỗng phải đóng cửa. Một số CBCNV tâm sự: “TS Nguyễn Hữu Khai và các thầy thuốc đã phải nuốt nước mắt tiễn biệt bệnh nhân đang điều trị gần khỏi mà phải ra về. Hàng trăm bệnh nhân mất cơ hội cứu chữa; hàng trăm y, bác sĩ, thầy thuốc phải thất nghiệp; hàng tỷ đồng thiết bị, máy móc, y cụ công cụ của Bệnh viện đa khoa tư nhân Bảo Long… sẽ trở thành đống sắt vụn”.






“Sự nghiệp” Bảo Long sẽ đi về đâu?



Trước những khó khăn về tài chính, khủng hoảng kinh tế thời gian qua, ông Khai thừa nhận: “chúng tôi gặp khó khăn về tài chính, không thể theo kịp trào lưu phát triển”. Ở vào thời điểm đầu năm 2011, số tiền nợ và lãi ngân hàng, nợ và lãi vay tư nhân của Bảo Long cũng lên đến hàng trăm tỷ đồng, lãi suất hàng tháng phải trả cũng phải hơn chục tỷ. Đặc biệt, với lãi suất ngân hàng cho vay từ 2,2-2,4%/tháng; lãi suất vay tư nhân từ 2,5- 3% / tháng quả là một gánh nặng quá lớn với Bảo Long. Bên cạnh đó đủ các yếu tố khó khăn, sức ép từ nhiều phía của một thương trường trong thời điểm lạm phát, giá các mặt hàng đều tăng. Dù sản xuất kinh doanh có lãi cũng khó có thể đứng vững, chưa nói đến phát triển. Để đứng vững và phát triển, Bảo Long đã rất cần một “mạnh thường quân”, một nhà đầu tư, cùng chung chí nguyện. Ông Nguyễn Hữu Khai vào Tập đoàn Bảo Sơn đã từng hy vọng một sự đầu tư thực sự, cùng “chung họa, hưởng phúc”. Thế nhưng, niềm tin, hy vọng của ông Nguyễn Hữu Khai vào tập đoàn Bảo Sơn đã hóa bi kịch của chính ông. Liệu những cam kết của Bảo Sơn “thực hiện các hợp đồng đã được ký kết liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn y dược Bảo Long đã ký trước đó” khi chuyển giao có được thực hiện, chưa nói đến việc nâng cao việc khám chữa bệnh, sản xuất thuốc y học cổ truyền? Khi thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty cổ phần Tập đoàn y dược Bảo Long, cùng với việc thay tên các thành viên cũ, Bảo Sơn đã bỏ ngay chức năng “Khám chữa bệnh và sản xuất thuốc y học cổ truyền”.


Cho đến nay, giữa Bảo Long và Bảo Sơn đã không còn là sự “hợp tác, đầu tư”, nhưng còn khoản tiền được quy từ tài sản hiện vật thực tế, mà theo Bảo Long tính toán là 125 tỷ đồng và các giá trị thương hiệu (tài sản vô hình) Bảo Sơn chưa thanh toán cho Bảo Long theo hợp đồng chuyển nhượng, đôi bên còn đang tranh cãi. Đồng thời với hợp đồng mà Bảo Sơn cho Bảo Long vay 80 tỷ lãi suất 1,75% tháng, bảo đảm bằng USD, phải thế chấp toàn bộ giấy tờ chủ quyền đất, tài sản trên đất của Công ty Đông Nam dược Bảo Long- TP Hồ Chí Minh, Công ty dược liệu Sìn Hồ- Lai Châu cũng đang “nửa chừng đứt gánh”. Theo Bảo Long, tài sản của họ, với giá trị giao dịch thời điểm hiện tại phải gần 200 tỷ đồng. Vậy nhưng khi Bảo Sơn cùng Bảo Long mang 37 tỷ đồng (bằng số tiền Bảo Long đang vay của Ngân hàng Hóc Môn- TP Hồ Chí Minh) đến trả ngân hàng và lấy hồ sơ thế chấp, để theo yêu cầu của Bảo Sơn, những người trong gia đình ông Khai mang tên chủ quyền trong hồ sơ sẽ phải ký thế chấp cho Bảo Sơn, thì Bảo Sơn lại giữ hồ sơ, không tiếp tục giải ngân. Theo Bảo Long, việc Bảo Sơn đơn phương áp đặt không đúng theo nội dung của hợp đồng khiến Bảo Long muốn vay vốn nhưng không có tài sản thế chấp và điều quan trọng là mất mối quan hệ tín dụng với ngân hàng. Ngay việc Bảo Sơn tuyên bố đã mua và thanh toán hết vốn cổ phần của các thành viên có tên trong đăng ký kinh doanh và phần góp vốn bổ sung của các cổ đông, đã làm nhiều cổ đông của Bảo Long hoang mang, yêu cầu rút cổ đông, khó khăn cho Bảo Long càng chồng chất.


Việc chưa trả hay không trả tiền theo hợp đồng chuyển nhượng có thể sẽ dẫn đến việc một hợp đồng chưa hoàn thành, hoặc nếu có tình tiết gian dối sẽ dẫn đến một hợp đồng vô hiệu. Còn như đã nêu, sự phức tạp của các vấn đề giữa đôi bên Bảo Sơn- Bảo Long chưa thể khép lại. Những ngày gần đây lại diễn ra cảnh hai bên tranh cãi xung quanh việc di chuyển đồ đạc, thiết bị; những tồn tại phục vụ cho công việc hàng ngày như điện, nước; Bảo Sơn yêu cầu Bảo Long phải nhanh chóng di chuyển, Bảo Long thì yêu cầu Bảo Sơn trả nợ… Họ đã cư xử với nhau không còn như “anh em” của ngày xưa nữa. Rất có thể vụ việc sẽ phải giải quyết ở cấp Tòa án.


Như mong muốn của Lương y, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai: để phát triển sự nghiệp khám chữa bệnh, sản xuất y học cổ truyền và giáo dục đào tạo, rất cần được sự quan tâm của Nhà nước, của các nhà doanh nghiệp, các nhà đầu tư thực sự có tâm. Bảo Long từng được tặng danh hiệu: “Thương hiệu mạnh Việt Nam”; “Thương hiệu Việt Nam hàng đầu Top 100”; Cup “Tự hào thương hiệu Việt”; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Chủ tịch nước tặng Huân chưong lao động hạng Ba. Thế nhưng trong sự khó khăn hiện nay của nền kinh tế, sự cạnh tranh khốc liệt, cạm bẫy của thị trường, Bảo Long đang gặp khó khăn, thách thức rất lớn. Hy vọng sự nghiệp giáo dục đào tạo y học cổ truyền của Bảo Long sau vụ việc này vẫn tiếp tục phát triển, giữ vững danh hiệu đã được đông đảo công chúng thương yêu, mến mộ.


Nhóm PVPL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét